“Tín dụng đen" với biến tướng tinh vi giăng "ma trận" trong dịp cận Tết
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo cơ quan Công an, tội phạm "tín dụng đen" ngày càng biến tướng tinh vi. |
“Tín dụng đen” ngày càng biến tướng tinh vi
Hàng loạt các đường dây tội phạm “tín dụng đen” đã bị cơ quan Công an triệt phá trong thời gian qua cho thấy, loại hình tội phạm này hoạt động với phương thức mới, biến tướng tinh vi, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp, các cửa hàng thực hiện các hành vi cho vay. Theo đó, các đối tượng chuyển sang cho vay thông qua các phần mềm, ứng dụng online trên điện thoại di động, các website, mạng xã hội Facebook, Zalo.
Khi người vay truy cập vào các ứng dụng hoặc trang web vay tiền, sẽ được yêu cầu tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại, chụp ảnh giấy tờ tùy thân. Sau khi hoàn tất các điều kiện, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản nhưng chỉ nhận được 2/3 số tiền, còn lại trừ lãi và phí dịch vụ.
Không chỉ vậy, các đối tượng còn tinh vi hơn khi liên kết hàng chục ứng dụng, trang web vay tiền khác nhau, khi thấy người vay không có khả năng chi trả, chúng sẽ giới thiệu sang ứng dụng khác để tiếp tục vay mới, dần dần người vay sẽ rơi vào “vòng xoắn ốc” giữa các ứng dụng vay tiền với mức lãi suất tăng lên theo cấp số nhân.
Thông tin từ Bộ Công an, vừa qua Công an TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã triệt phá 2 nhóm hoạt động tín dụng đen cho vay với lãi suất cao. Cụ thể, ngày 27/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Gia Nghĩa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Thanh Phong (SN 1984) và Nguyễn Văn Giang (SN 1995), cùng trú tại tỉnh Thanh Hóa về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Với thủ đoạn, lập tài khoản fanpage chạy quảng cáo trên trang mạng xã hội Facebook với nội dung “Cho vay góp ngày và số điện thoại liên lạc”. Khi người dân có nhu cầu vay tiền sẽ gọi điện thoại, thỏa thuận mức lãi suất rồi giao giấy tờ tùy thân cho các đối tượng thì sẽ được vay tiền trả góp theo ngày.
Từ đầu tháng 8/2024 đến ngày 15/12/2024, Lê Thanh Phong và Nguyễn Văn Giang đã cho 83 người dân ở địa bàn thành phố Gia Nghĩa, các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận vay với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng theo hình thức trả góp theo ngày. Số tiền cho vay giao động từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng và mức lãi suất từ 452%/năm - 695%/năm, thu lợi bất chính số tiền trên 457 triệu đồng. Trong đó, Công an TP Gia Nghĩa đã làm việc được với 15 người dân vay của Phong và Giang tổng cộng 318 triệu đồng, thu lợi bất chính số tiền gần 87 triệu đồng. Quá trình điều tra, lực lượng Công an đã thu giữ 11 giấy căn cước công dân, 13 giấy phép lái xe mô tô, ô tô, giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô và nhiều giấy vay tiền…
Một ổ nhóm “tín dụng đen” tại Bạc Liêu cũng vừa được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu triệt phá thành công. Đường dây cho vay lãi nặng do Nguyễn Minh Tùng (SN 1991, trú ở TP Hải Phòng) cầm đầu.
Theo điều tra, sau khi vào Bạc Liêu sinh sống, Nguyễn Minh Tùng đã liên hệ với 4 đối tượng khác tạo lập 3 tài khoản trên Internet để quản lý, theo dõi mọi hoạt động cho vay, thu lãi. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, các đối tượng đã cho 77 người dân trên địa bàn Bạc Liêu và Sóc Trăng vay tiền với lãi suất từ 300 - 900%/năm, qua đó thu lợi bất chính gần 500 triệu đồng...
Thủ đoạn của các nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng với quy mô nhỏ thường bắt đầu từ việc dán tờ rơi quảng cáo ở những nơi công cộng... Đến nay, các đối tượng manh nha hoạt động trở lại và có sự chuyển đổi phương thức, cách thức cho vay thông qua các phần mềm, ứng dụng trực tuyến trên điện thoại di động, các website, mạng xã hội Facebook, Zalo... |
Tại Hà Nội, thời gian qua lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội (CATP) đã bóc gỡ nhiều ổ nhóm tín dụng đen. Các đối tượng cho vay lãi nặng có quy mô hoạt động lớn, số tiền các đối tượng cho vay lãi nặng lên tới hàng tỷ đồng. Lãi suất lên đến vài trăm %/năm. Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, hoạt động của các nhóm đối tượng này đã được kìm chế, góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa bàn.
Cho vay lãi nặng dưới hình thức "bốc bát họ", tỷ lệ đưa ra là 10 ăn 8, trả trong 25 - 50 ngày tức lãi suất 4.000 - 8.000 đồng/triệu/ngày. Nhóm của Nguyễn Văn Thành (tức Thành "bẹt"), Nguyễn Nam Khang, Trương Văn Thắng, Nguyễn Quang Anh và 19 đối tượng khác đã bị Phòng cảnh sát hình sự CATP bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Tàng trữ trái phép chất ma túy".
Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, các đối tượng khai nhận, để trao đổi công việc, các đối tượng tạo nhóm trò chuyện trên ứng dụng mạng xã hội. Ngoài ra, Thành còn chỉ đạo Nam, Thắng, Quang Anh lập 5 đại lý cấp dưới, mỗi đại lý 3 - 4 nhân viên để tìm kiếm khách hàng vay.
Trước đó, Phòng cảnh sát hình sự CATP cũng đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự với 6 đối tượng Vũ Sinh Lợi, Nguyễn Chí Tỉnh, Nguyễn Thị Thảo, Ngô Tuấn Anh, Đặng Đạt Hợp, Đỗ Hoài Nam về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự...
Cảnh giác trước những “ma trận”
Cơ quan chức năng đánh giá, hoạt động của tội phạm tín dụng đen thường là nguồn phát sinh các loại tội phạm khác. Do đó, cơ quan chức năng nhấn mạnh: người dân nếu có nhu cầu vay tiền không nên tìm đến những hình thức này. Thủ đoạn của các nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng với quy mô nhỏ lẻ thường bắt đầu từ việc dán tờ rơi quảng cáo ở những nơi công cộng như: trên tường rào, trụ điện... để dụ dỗ, “bẫy” người dân vào tín dụng đen.
Về thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen”, theo thiếu tá Đoàn Văn Linh – Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phân tích, điều dễ nhận thấy là dù hoạt động theo phương thức nào, các đối tượng tội phạm đều có chung thủ đoạn đòi nợ người vay không còn khả năng trả bằng cách đe dọa, khủng bố tinh thần, tạt sơn nơi ở, ném chất bẩn, thậm chí hành hung để cưỡng đoạt tài sản. Thời gian gần đây, các đối tượng đã manh nha hoạt động trở lại và có sự chuyển đổi phương thức, cách thức cho vay thông qua các phần mềm, ứng dụng trực tuyến trên điện thoại di động, các website, mạng xã hội Facebook, Zalo.
Khi người vay truy cập vào các ứng dụng hoặc trang web vay tiền, sẽ được yêu cầu tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại, hoặc chụp 2 mặt thẻ Căn cước công dân. Sau khi hoàn tất các điều kiện, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản nhưng chỉ nhận được 2/3 số tiền, số còn lại trừ lãi và phí dịch vụ. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn tinh vi khi tạo lập và liên kết hàng chục các ứng dụng, trang web vay tiền khác nhau, để khi người vay không có khả năng chi trả, sẽ giới thiệu sang ứng dụng khác để vay tiền trả nợ, dần dần người vay rơi vào “vòng xoắn ốc” giữa các ứng dụng vay với mức lãi suất tăng lên theo bội số nhân. Trần lãi suất ngân hàng chỉ khoảng 9%/năm nhưng tín dụng đen hiện có lãi suất từ 100 - 300%/năm, thậm chí lên đến 700%/năm.
Thiếu tá Đoàn Văn Linh đánh giá, dễ vay, khó thoát là cái giá chung mà nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin đã trót rơi vào bẫy của tín dụng đen. Biến tướng ngày càng tinh vi của tội phạm này không chỉ là nỗi “ám ảnh” của người vay, khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm hoạt động mang tính côn đồ, bạo lực như: giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại địa phương...
Luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước nhận định, một cản trở với nỗ lực xóa "tín dụng đen" là khung pháp lý và mức chế tài với hoạt động này còn yếu, chưa đủ sức răn đe. Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: "Người nào mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, tùy theo mức độ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm". Do đó, Luật sư Vũ Văn Biên cho rằng, với tình trạng cho vay trái phép biến tướng và tràn lan như hiện nay để dễ dàng tiếp cận người vay tiền, cần phải tăng nặng hơn khung pháp lý và chế tài xử phạt mới. Có như vậy, tội phạm “tín dụng đen” mới không "nhờn luật". |
Khởi tố người phụ nữ cho vay lãi nặng lên đến 365%/năm | |
Tín dụng đen bủa vây khu công nghiệp, công nhân chịu lãi suất 730% | |
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để ngăn “tín dụng đen” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại