Thứ hai 29/04/2024 08:01
Tự chủ Đại học Khi những nút thắt dần được xóa bỏ:

Kỳ 2: Những xếp hạng thế giới được cải thiện trong nỗ lực của tinh thần tự chủ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên tiếp những năm gần đây, các bảng xếp hạng ĐH thế giới, trong đó có cả những bảng xếp hạng “khó tính” như THE đã xếp hạng ĐH Việt Nam. Hầu hết các trường được xếp hạng đang thí điểm cơ chế tự chủ. Không thể phủ nhận, tinh thần tự chủ đã khiến các trường năng động hơn rất nhiều để cải thiện chất lượng đào tạo.
ky 2 nhung xep hang the gioi duoc cai thien trong no luc cua tinh than tu chu Kỳ 1: Khi tự chủ không còn là vấn đề riêng về tài chính

GS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng: Tự chủ mà các trường đang làm tốt nhất chính là học thuật. Thực tế là, các vấn đề học thuật, đào tạo, các vấn đề nghiên cứu khoa học đang được các trường đẩy mạnh hơn rất nhiều trong 2 năm trở lại đây.

Con số đầu tiên phải kể tới là số lượng trích dẫn khoa học và công bố quốc tế. 5 năm về trước, năm 2013, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, chỉ ở mức 2.309 bài. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây nhất của nhóm nghiên cứu độc lập (trường ĐH Duy Tân), tính từ 2017 đến thời điểm công bố vào tháng 6-2018, chỉ riêng công bố quốc tế của 30 trường ĐH (hàng đầu) Việt Nam đã đạt 10.515 bài. Con số này hơn cả giai đoạn 5 năm trước đó (2011-2015), khi toàn Việt Nam mới có 10.034 bài. Nếu chỉ tính riêng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây (2009-2018) đã tăng gần 5 lần.

Số liệu từ Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, công bố ISI của Việt Nam năm 2019 ước đạt 7.705, tăng 1,3 lần so với năm 2018 (5.927 công bố). Theo thống kê của Scopus, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam ước đạt 11.461 công bố, tăng 1,3 lần so với năm 2018 (8.759 công bố). Cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2019 của Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).

ky 2 nhung xep hang the gioi duoc cai thien trong no luc cua tinh than tu chu
Sinh viên ĐH Trà Vinh trong giờ học có tính ứng dụng cao. Ảnh: TVU

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐHQG Hà Nội) khẳng định: Chúng ta phải đánh giá thật công bằng với những thành tựu mà giáo dục ĐH Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

Thể hiện lớn nhất ở 3 điểm nổi bật là: Hội nhập quốc tế, chất lượng đào tạo (đào tạo gắn với nghiên cứu, với thị trường và công bố quốc tế) và chuyển dịch mạnh mẽ, thành công cơ cấu ngành nghề, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực của xã hội và ngày càng phù hợp với xu thế của thời đại.

Giáo dục ĐH của Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ, nhanh chóng tiếp cận các chuẩn mực của quốc tế như những năm gần đây. Minh chứng rõ nhất cho nhận định này là những kết quả trong việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, xếp hạng ĐH. Và từ đó, chúng ta có những con số tiếp theo, con số về xếp hạng ĐH.

Nếu như nửa đầu năm 2019, bảng xếp hạng ĐH khó nhằn THE (của Tạp chí Times Higher Education) công bố bảng xếp hạng 417 trường ĐH khu vực châu Á năm 2019 nhưng không có đại diện nào của Việt Nam, thì kết quả mới đây đã rất khác biệt và đáng mừng. Theo công bố của Times Higher Education, kết quả xếp hạng ĐH thế giới mới nhất (World University Rankings 2020), lần đầu tiên 3 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH quốc gia TP HCM được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu thế giới.

Trong đó, ĐHQG Hà Nội cùng trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801-1.000 thế giới, vào nhóm 1.000+ là ĐH Quốc gia TP HCM. ĐHQG Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng. ĐH Quốc gia TP HCM đứng đầu về chỉ số thu nhập từ DN. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.

Trung tâm xếp hạng ĐH Thế giới (CWUR) là một tổ chức tư vấn hàng đầu về chính sách, chiến lược và dịch vụ cho các chính phủ, trường ĐH để cải thiện kết quả nghiên cứu và GD. Theo bảng xếp hạng mới nhất, Việt Nam có 4 trường ĐH lọt vào bảng xếp hạng có 2.000 trường của CWUR.

4 trường ĐH của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng trong năm học 2019-2020 bao gồm ĐHQG Hà Nội (đứng vị trí 1.510), ĐHQG TP HCM (vị trí 1.585), ĐH Duy Tân, Đà Nẵng (vị trí 1.854) và ĐH Tôn Đức Thắng, TP HCM (vị trí 1.978).

Các bảng xếp hạng của QS hàng năm cũng liên tiếp công bố danh sách các trường ĐH của Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hạng của thế giới và khu vực. Điều này hơn 10 năm trước là mục tiêu mà chúng ta mới đặt ra ở mức “phấn đấu”.

Nhìn vào các trường được xếp hạng, thấy rằng đa phần là các trường đang thí điểm tự chủ. Nhưng cũng có những trường hợp rất đặc biệt từ các ĐH địa phương, khi phát huy tinh thần tự chủ, đã vươn lên để có tên trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới.

Trường ĐH Trà Vinh (TVU) vừa được công bố xếp hạng 86 trong top 100 của WURI Ranking 2020, trường ĐH có ảnh hưởng và đóng góp tích cực cho xã hội. Trong khi đó, tổ chức QS của Anh Quốc vừa chính thức công nhận trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU) đạt chuẩn chất lượng 3 sao.

Những kết quả này là sự phát huy có hiệu quả tinh thần đổi mới đào tạo, tự chủ của các trường ĐH. Đối với ĐH, kiểm định, xếp hạng chính là thương hiệu dài lâu. Khi cơ chế đã có, khi cần phải giải quyết bài toán: Đổi mới, nâng chất lượng hay thiếu vắng người học, thì việc tự chủ học thuật, tự chủ chương trình đào tạo cho tiệm cận với quốc tế chính là con đường… không thể khác được.

(Còn nữa)

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động