Thứ năm 21/11/2024 23:20
Bi hài chuyện ở chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn

Kỳ 2: Muôn vàn lý do của các “ma men” để né phạt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Trời nắng nóng, bữa cơm trưa uống vài cốc bia giải khát chứ có uống nhiều đâu”; “Em buồn chuyện tình cảm nên có đi uống mấy chén rượu ốc, các anh thông cảm”; “Ôi giồi, hôm nay nhà có giỗ, tôi uống vài chén thôi mà”; thậm chí có trường hợp say xỉn, bỏ chạy, giở trò ăn vạ tri hô “cướp”… đây là một số trong muôn vàn lý do, chiêu trò khác nhau của các “ma men” khi bị Cảnh sát giao thông (CSGT) thổi nồng độ cồn nhằm tránh bị phạt.
-	Lực lượng CSGT Hà Nội tăng cường kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Bạch Dương
Lực lượng CSGT Hà Nội tăng cường kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Bạch Dương

Khi “ma men” giở trò

Mới đây, thông tin từ tổ chuyên đề tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn của Đội CSGT Nam Sài Gòn, Phòng CSGT CATP Hồ Chí Minh, khi đang tuần tra trên tuyến Huỳnh Tấn Phát, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện, kiểm tra đối với ông M, trú tại quận 7 điều khiển xe máy BKS: 59C2-745.xx.

Vừa dừng xe, ông M đã chủ động thừa nhận với CSGT là đã uống rượu, bia: "Tôi vừa nhậu xong nên chắc chắn bị phạt rồi. Không cần phải thổi đâu". CSGT sau đó đã giải thích, thông tin tới ông M về việc vi phạm nồng độ cồn sẽ chia ra nhiều mức phạt khác nhau và ông M đã đồng ý thổi. Kết quả nồng độ cồn của ông M là 0,248 mg/lít khí thở.

Một trường hợp khác là một người đàn ông điều khiển xe máy BKS: 59C2 - 740.xx có dấu hiệu say xỉn và không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. CSGT nhanh chóng tút còi yêu cầu dừng xe kiểm tra nhưng tài xế bất hợp tác và phóng xe vào một con ngõ nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát hòng bỏ chạy. Tổ công tác đã bám theo đến cuối một con ngõ cụt. Biết là không thoát được, tài xế liền giở quái chiêu, liên tục hét lớn: "Cướp... cướp... cướp" khiến người dân trong ngõ được một phen náo loạn.

Ngay sau đó, tổ công tác đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ trấn áp, yêu cầu người này ngưng giở trò và chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát. Lúc này, một người phụ nữ tự nhận là chị của thanh niên này đã ra mặt can ngăn, đối tượng sau đó chấp hành yêu cầu của CSGT.

Tài xế được xác định tên T, kết quả đo nồng độ cồn của anh T là 0,545 mg/L khí thở. Do không còn đủ tỉnh táo để làm việc với lực lượng chức năng, bà L.K.N, chị ruột anh T đã phải đứng ra làm việc với CSGT. Chị N phân bua rằng, do T uống rượu vào nên nóng tính vậy chứ bình thường T hiền lành chứ không có vấn đề gì. Chị N cũng thay mặt gia đình gửi lời xin lỗi đến các chiến sĩ CSGT trước những hành vi của em trai mình.

Với lỗi vi phạm trên, tổ công tác đã lập biên bản xử phạt hành chính với anh T, nam tài xế này sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Đây là mức phạt vi phạm nồng độ cồn với khung cao nhất đối với người điều khiển xe máy.

Cán bộ tổ công tác cho biết, hành vi uống rượu bia vẫn lái xe không chỉ xem thường sự an toàn của bàn thân và người đi đường mà việc không chấp hành mệnh lệnh của CSGT sau mỗi cuộc nhậu sẽ còn mang đến nhiều rắc rối hơn cho các “ma men” sau tay lái. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Muôn vàn lý do để né phạt

“Theo chân” lực lượng CSGT CATP Hà Nội xử lý vi phạm nồng độ cồn, PV ghi nhận rất nhiều câu chuyện bi hài khiến lực lượng CSGT phải… đau đầu. Có mặt tại nút giao thông Quang Trung - Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, chỉ 20 phút, đã có nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng Đội CSGT số 7 xử lý .

Nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao, có trường hợp gấp nhiều lần mức xử lý cao nhất được quy định tại Nghị định 100. Thế nhưng, họ vẫn đưa ra nhiều lý do để biện minh cho hành vi của mình và muốn được CSGT bỏ qua lỗi.

Anh T, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội chạy xe loạng choạng, khi bị CSGT tuýt còi, dẫn vào chốt, yêu cầu đo nồng độ cồn. Ban đầu anh T không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn và cho rằng, trời nắng nóng chỉ uống vài cốc bia giải nhiệt thì không ảnh hưởng gì: “Hiện tôi hoàn toàn tỉnh táo và điều khiển xe bình thường, có cồn đâu mà thổi”.

Tuy nhiên, sau khi được cán bộ tổ công tác giải thích, tuyên truyền về tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông, anh T mới chịu thổi và kết quả là ở mức 0,100 mg/l khí thở. Lúc này, anh T chia sẻ: “Bản thân tôi đã nhận thức được việc uống rượu bia mà vẫn lái xe là vi phạm, nguy hiểm cho bản thân và người khác. Tôi hứa là sẽ không tái phạm…”.

Còn anh H, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, sau khi thổi, máy đo nồng độ cồn cho kết quả vượt mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất đối với người điều khiển xe máy. Bị CSGT lập biên bản xử phạt, anh H mếu máo: “Em buồn chuyện tình cảm với bạn gái nên có đi uống mấy chén rượu ốc, các anh thông cảm cho em…”.

Hay như trường hợp anh N, chạy xe máy với tốc độ cao, khi tổ công tác dừng phương tiện kiểm tra, mặt tài xế này đỏ phừng phừng nhưng không chấp hành, liên tục từ chối hợp tác với lực lượng chức năng: “Ôi giồi, hôm nay nhà có giỗ, tôi uống vài chén thôi mà…”. Sau 15 phút tuyên truyền vận động, anh N thổi vào máy đo, kết quả vi phạm nồng độ cồn.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, không ít trường hợp khi được CSGT yêu cầu đo nồng độ cồn thì cố tình thổi sai, gây khó dễ, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, trước thái độ thách thức của người vi phạm, các chiến sĩ CSGT Hà Nội vẫn kiên giải thích, tuyên truyền để người vi phạm hiểu và ý thức hơn trong tham gia giao thông.

Chỉ huy Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết, bất luận là lý do gì, đã vi phạm thì phải xử lý nghiêm để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Vì vậy, mỗi người nên có trách nhiệm với hành vi của mình, tuân thủ quy định của pháp, đã uống rượu bia thì không lái xe.

Đồng thời, xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế và hướng tới giảm tai nạn giao thông, lực lượng CSGT CATP sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, quyết tâm hình thành thói quen cho người dân nếu uống rượu, bia thì không lái xe.

Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT CATP, từ việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn, góp phần từng bước thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Điều đó cũng khẳng định được hiệu quả của việc tuyên truyền tác hại rượu bia, đang định hình lên một phong cách, một nét đẹp trong văn hóa giao thông cho người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Đối mặt với những tình huống “khó đỡ” khi đo nồng độ cồn
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động