Kỳ 2: Học hè chỉ để có chỗ… trông trẻ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều bậc cha mẹ cho con đi học hè để củng cố kiến thức, cũng như là nơi "trông trẻ". (Ảnh minh hoạ) |
Kỳ vọng vào điểm số của con gái, nhưng kết quả năm học vừa qua không như ý, chị Thuỳ Linh (Cầu Giấy) dự định hè sẽ cho con đi học để lấy lại vị trí trong lớp. “Con tôi hết hè này vào lớp 9. Năm trước, ngoài việc học ở trường, tôi cho cháu đi học thêm các môn Ngữ văn, Toán, Anh văn, Hóa học ở trường và trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ. Ngoài ra, buổi tối ở nhà cháu còn được gia sư kèm cặp thêm. Tuy nhiên, kết quả học tập của cháu vẫn không đạt được như mong muốn. Cháu cũng đạt được học sinh giỏi nhưng thứ hạng và điểm số không cao.
Đã vậy cô giáo dạy Toán còn cho biết, môn hình học của con không tốt lắm. Vì vậy tôi nghĩ mấy tháng hè là thời gian vàng để giúp con tôi củng cố lại kiến thức, bù đắp lại những phần khuyết thiếu trong trong năm học vừa qua”, chị Linh cho biết.
Khi được hỏi về thái độ của con khi lịch học kín như vậy, chị Linh cho biết, mặc dù con chị không vui vẻ lắm khi phải đi học hè nhưng cũng không chống đối. “Việc học tập ấy là tốt cho chính bản thân chúng nó. Vợ chồng tôi đi làm vất vả để dành dụm hết để đầu tư cho con bé. Giờ có lẽ chúng không hiểu, nhưng sau này khi có nhận thức rồi chúng sẽ phải cảm ơn bố mẹ ấy chứ”, chị Linh bày tỏ quan điểm.
Còn chị Lương Thị Trang (Đống Đa) cho rằng, cậu con lớn của chị sang năm thi cuối cấp rồi, nên nếu không đi học thêm thì cũng không biết cậu có thể “vượt vũ môn” được hay không. “Nhìn cảnh các phụ huynh tất bật tìm chỗ học cho con tôi cũng sốt ruột. Mặc dù biết cũng nên để cho các con có thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng chút thời gian nghỉ hè, nhưng lại sợ con không theo kịp các bạn nên cực chẳng đã phải tìm lớp cho con”. Chị cho biết, chỉ cho con học thêm các môn chính, gồm tuần 3 buổi Văn, Toán, Tiếng Anh.
Kỳ 1: Những đứa trẻ không có nghỉ hè Thay bằng việc nghỉ xả hơi 2 tháng hè, bé Ngô Ngọc Hưng (9 tuổi) kín ngày bởi hàng loạt các lớp học thêm. Hết ... |
Khi được hỏi con chị có vui vẻ đi học không, chị bảo: “Cháu phản đối ghê lắm, cứ đến giờ đi học mặt buồn so. Tôi phải động viên con, rồi con cũng đến lớp học thêm”.
Việc học thêm có thể nói áp lực nhất là với các học sinh cuối cấp, đặc biệt là với những em mà bản thân và cha mẹ có nguyện vọng thi vào trường các trường điểm. Muốn giành được một tấm vé vào trường điểm thì phần lớn các em phải nhanh tăng tốc bằng cách đi học thêm.
Ngay khi năm học vừa bế giảng, để chuẩn bị cho cuộc “vượt vũ môn” nhiều em bị cha mẹ thuyết phục, thậm chí là ép buộc đến các địa chỉ giáo viên dạy thêm tin cậy để học thêm. Cá biệt có những gia đình thuê gia sư đến dạy kèm cho con tại nhà.
Không áp lực như các học sinh cuối cấp, nhưng các học sinh các khối cấp 1 hoặc đầu cấp 2 cũng thường chịu cảnh bị bố mẹ “dí” vào các lớp học thêm đợt hè. Lý giải việc này, chị Phương Trang (Thanh Xuân) cho rằng, việc củng cố kiến thức là một chuyện, còn lý do nữa khiến các bậc phụ huynh nhất quyết cho con đi học hè.
“Ở khu phố nhà tôi, cha mẹ muốn cho con đến trường ngay cả những ngày hè. Bởi họ cho rằng, khi bọn trẻ đến đó họ mới yên tâm đi làm mà không phải bận lòng lo cho lũ trẻ. Nhiều bậc phụ huynh mới chỉ nghe đến lịch nghỉ hè thôi đã thở ngắn, than dài và tính toán thời gian lũ trẻ nghỉ đến thời gian lũ trẻ đi học.
Họ nói với tôi rằng, mong hè qua mau hoặc nhà trưởng mở lớp ôn tập hè để lũ trẻ đi học chứ ở nhà bố mẹ đi văng hết, bọn trẻ lại chơi bời, lêu lổng, chơi game hoặc tụ tập đánh nhau…”, chị Trang kể.
Không chỉ học sinh phổ thông hay tiểu học, ngay cả trẻ bậc “mần non” cũng được nhiều bố mẹ quan tâm đến việc học thêm. Bởi lẽ, mùa hè là mùa vô cùng nan giải với nhiều bậc phụ huynh. Không có người trông trẻ, bố mẹ lại đi làm từ sáng đến chiều cho nên gửi trẻ đi học là phương án “tối ưu”. Với trẻ mầm non, việc “học hè” không đơn giản chỉ là học kiến thức.
Tuy nhiên, dù trẻ lớn hay trẻ nhỏ trong câu chuyện học hè thì chi phí của bố mẹ bỏ ra cũng không hề nhỏ. Anh Minh Hải (Thanh Xuân) cho hay, chi phí học hè cho con thường cao hơn khá nhiều so với học ở trường. Các lớp, các thầy cô càng phong phú chương trình học, càng có tiếng thì học phí lại càng cao.
“Tôi chọn một trung tâm vừa túi tiền cho con học ở gần nhà, vì suy đi tính lại đây vẫn là cách hay nhất. Vì tôi không có thời gian ở nhà với con, còn nếu để trẻ ở nhà mà không có người lớn kiểm soát, chúng rất dễ sa đà vào máy tính, điện thoại, trò chơi điện tử hay ăn uống không kiểm soát. Như thế thì lợi bất cập hại. Đi học tích lũy kiến thức hoặc đơn thuần chỉ để trông trẻ thôi cũng là một giải pháp dù muốn dù không tôi vẫn cho rằng đó là biện pháp tối ưu”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại