Kỳ 1: Những đứa trẻ không có nghỉ hè
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều trẻ em vẫn phải đi học, dù đang là "nghỉ hè". (Ảnh minh hoạ) |
Vừa kết thúc buổi học thêm sáng, Hưng lại tất tả ăn cơm, nghỉ ngơi một chút rồi lại đến nhà cô dạy toán để học thêm lớp buổi chiều. Em cho biết, một tuần em phải học 3 buổi toán, 2 buổi văn và tiếng Anh.
“Các bạn được đi chơi, đi nghỉ mát, còn con ngoài việc đến nhà cô thì chẳng được đi đâu cả. Nhiều hôm các bạn hàng xóm đến rủ đi chơi nhưng bởi chưa làm xong bài bố mẹ con cũng không cho con ra gặp bạn. Bố mẹ bảo rằng, do trong năm học con học kém hơn các bạn nên giờ phải tranh thủ học thêm”, H. tâm sự. Tuy nhiên em cũng cho rằng, trong năm học em cũng đã cố gắng hết sức, nhưng bởi khả năng tiếp thu có hạn, lượng kiến thức lại lớn nên em không theo kịp.
Nhận đưa đón Hưng đi học với mức “lương” 3 triệu/tháng, chị Nguyễn Ngọc Bích (Hai Bà Trưng) cho biết, “Công việc chỉ là đưa và đón cháu đi học. Tuy nhiên thấy lịch học và tần suất đưa đón tôi cũng thấy ngại. Nhìn thằng bé ỉu xìu xách chiếc cặp to hơn người chạy sô từ lớp này đến lớp khác thấy tội thân cháu”
Còn với Vũ Việt Hoàng (13 tuổi), ngoài việc bù đầu vào học thêm ở một số trung tâm, bố mẹ còn đăng ký cho em học thêm các môn năng khiếu dù em cảm thấy không mấy hứng thú. Từ khi lên lớp 6 đến giờ em không còn biết nghỉ hè là thế nào. Bởi rằng nói là nghỉ hè nhưng các em sẽ lại đối diện với lịch học hè dày đặc. “Con cũng muốn được nghỉ ngơi và chơi như các bạn cùng ngõ, nhưng bố mẹ lại cứ bắt đi học. Con cũng rất mệt, nhưng con không thuyết phục nổi bố mẹ con”, Hoàng cho biết.
Với Hoàng, thời gian hè lý tưởng nhất là những ngày được về quê với ông bà. “Con không thích học hè, các môn năng khiếu lại càng không vì con phải học theo định hướng của bố mẹ chứ không được học những bộ môn con thích. Ví dụ như con thích học vẽ nhưng bố mẹ lại bắt con học đàn, con thích học võ nhưng bố mẹ lại bắt con đi học bóng đá…”, Hoàng tâm sự.
Em Trịnh Mai Hương (14 tuổi) cho rằng, việc học hè thực sự khiến em rất áp lực. “Suốt từ đầu tháng 6 đến bây giờ, em vẫn phải chạy sô các ca học thêm, từ học toán đến học văn, ngoại ngữ. Ngày nào cũng phải đi học thêm, thậm chí có ngày học cả 2 buổi. Thầy, cô đều nhắc nhở, sang năm chuẩn bị thi vào lớp 10, phải chịu khó học ngay từ dịp hè mới đạt kết quả tốt được. Còn bố mẹ cũng muốn em đi học thêm, nếu không ở nhà rảnh rỗi lại chơi game online, chát chít…”, Hương tâm sự.
Tuy nhiên theo Hương, nếu không học em cũng lo, bởi em cho rằng, việc học hè, ngoài việc củng cố kiến thức đã học, em còn được thầy, cô dạy trước chương trình. Em cũng sợ, nếu không học, khi vào năm học mới, sẽ không thể theo kịp các bạn. Vì hè nào cũng đi học nên em cũng quen với việc cứ nghỉ hè xong là tiếp tục… học hè.
Cũng vẫn còn những ký ức về học hè, Trần Tuấn Anh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mặc dù đi làm thêm ở Trung tâm để kiếm thêm thu nhập mùa hè nhưng em cực lực phản đối chuyện các em nhỏ, đặc biệt là học sinh tiểu học phải đi học hè. Em nhớ lại những năm mình học cấp 1 và cấp 2 cũng thường xuyên bị cha mẹ đưa đến các lớp học thêm. Dù không thích nhưng cũng không biết làm thế nào.
Ngoài vài chuyến đi du lịch tắm biển cùng bố mẹ, em gần như không có niềm vui nào khác trong dịp hè. Giờ nghĩ lại em vẫn tiếc, em thấy mình bị thiếu đi sự hồn nhiên, thiếu cơ hội được vui chơi trong những mùa hè khi còn đi học đó. Theo em, các phụ huynh nên dành cho con mình nhiều thời gian hơn trong dịp hè để các bạn nhỏ được vui chơi, nghỉ xả hơi nhiều hơn bởi các em đã học hành vất vả suốt năm học rồi”.
Học thêm: Phản đối một đằng, thực tế một nẻo | |
Hà Nội yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại