Thứ bảy 23/11/2024 16:39
Nhiều nội dung độc hại cho trẻ nhỏ trên các nền tảng mạng xã hội

Kỳ 1: Tràn lan các nội dung độc hại, lợi bất cập hại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội như hiện nay giúp thông tin được cập nhật đến người dùng một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, những thông tin xấu, độc vẫn nhen nhóm, ảnh hưởng đến tâm lý chung của nhiều người dùng, nhất là trẻ em - những đối tượng chưa biết cách chắt lọc và tiếp nhận thông tin đúng đắn.
Trẻ em là những đối tượng chưa biết cách chắt lọc và tiếp nhận thông tin đúng đắn từ internet. Ảnh minh họa
Trẻ em là những đối tượng chưa biết cách chắt lọc và tiếp nhận thông tin đúng đắn từ internet. Ảnh minh họa

Nhiều nội dung độc hại

Mạng xã hội bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000 và phát triển với tốc độ nhanh chóng, dần trở thành nhu cầu thiết yếu của xã hội. Hiện nay, không chỉ những người trẻ tuổi, có trình độ công nghệ thông tin mới sử dụng mạng xã hội như một công cụ làm việc, kết nối liên lạc, giải trí, cập nhật tin tức, quảng cáo, bán hàng online… mà ngay cả người già, thậm chí trẻ em cũng vào mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, kết nối bạn bè và giải trí.

Sự phổ biến nhanh chóng của mạng xã hội đưa đến cả tác động tích cực và tiêu cực, bên cạnh những lợi ích không nhỏ là những hệ lụy khôn lường nếu không biết cách sử dụng, quản lý.

Trên thực tế, một số người thiếu ý thức và trách nhiệm với cộng đồng đã sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật, lôi kéo những người dân nhẹ dạ cả tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến ổn định xã hội.

Có thể thấy rõ trong thời gian qua, nhiều trang mạng, hội nhóm đưa ra nhiều thông tin sai sự thật, “bóp méo” bản chất vấn đề, “đổi trắng thay đen” để kích thích trí tò mò của công chúng. Một số tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai lệch, lợi dụng các tiện ích của mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, tin đồn thất thiệt, thông tin nhảm nhí, rùng rợn…; thông tin cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ, vay lãi, tham gia vào các hội kín, nhóm kín trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm công nghệ cao như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát virus…

Bên cạnh đó là những thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch, kích động Nhân dân…

Gần đây nhất, khi miền Bắc đang gồng mình với cơn bão Yagi, hàng loạt tin giả liên quan đến vỡ đê, cắt điện, các thông tin sai lệch về tình hình bão lũ… xuất hiện trên mạng xã hội và lan truyền nhanh. Nhiều đối tượng bất chấp tung tin giả, lợi dụng “nỗi đau” chung để câu like, câu view, tăng tương tác, thỏa mãn mục đích của bản thân.

Trẻ em Việt Nam tiếp cận với Internet, các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. Ảnh: Thanh Hà
Trẻ em Việt Nam tiếp cận với Internet, các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. Ảnh: Thanh Hà

Được và mất?

Trong thời đại ngày nay, internet và các thiết bị thông minh đã trở nên quá phổ biến đối với trẻ em. Đặc biệt sau đợt dịch Covid-19, máy tính, điện thoại và mạng internet đã trở nên rất cần thiết với trẻ em.

Theo số liệu từ Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), với hơn 70% dân số dùng internet, Việt Nam là Quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao. Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số. Trẻ em Việt Nam tiếp cận với internet, các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối internet để học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hàng ngày.

Theo báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD), tại Việt Nam cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ em tham gia khảo sát sử dụng internet hơn 1 tiếng/ngày; 43,4% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng internet từ 1-3 tiếng/ngày; 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng internet; 54,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận internet với bố, mẹ/người thân và 30,4% bố, mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng internet của trẻ.

Có thể thấy internet tác động đối với trẻ về cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, trẻ sử dụng internet để kết nối và giao tiếp. Trẻ tìm kiếm thông tin trên mạng để học hỏi, khám phá những điều mới lạ để từ đó phát triển bản thân tự tin hơn và bộc lộ được những khả năng, sự sáng tạo của mình. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, nhiều trẻ tiếp cận với những nguồn thông tin độc hại, chưa đúng chuẩn mực dần gây ra những sai lệch trong suy nghĩ và hành động, ảnh hưởng đến nhận thức, tư duy và cả sức khỏe của trẻ.

Trong một dự án nghiên cứu của UNICEF năm 2022 khảo sát với 994 trẻ em Việt Nam từ 12 đến 17 tuổi, thì có tới 2% cho biết trong năm qua đã bị yêu cầu trò chuyện về tình dục khi bản thân không mong muốn, 1% bị yêu cầu chia sẻ hình ảnh, video khỏa thân; 8% nhận được những bình luận khiếm nhã, 5% nhận được những hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Ngoài ra trẻ cũng gặp phải nhiều đề nghị cho tiền hoặc đổi quà để đổi lấy hình ảnh, video nhạy cảm hoặc thực hiện hành vi đe dọa, tống tình để ép trẻ tham gia hoạt động tình dục.

(Còn nữa)

CDC Hà Nội cảnh báo nguy hiểm chết người từ trào lưu ''bắt pen''
Thái Phương - Hải Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động