Thứ sáu 18/10/2024 08:23
Nhiều nội dung độc hại cho trẻ nhỏ trên các nền tảng mạng xã hội

Kỳ 2: Hot trend trên tiktok “xâm lấn” giới trẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sự bùng nổ của mạng xã hội giúp trẻ em tiếp cận được nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Giúp trẻ tự tin kết nối, tăng thêm các kỹ năng, bổ sung thêm tri thức trong thời đại mới. Nhưng mặt trái là trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các vấn nạn lừa đảo, dụ dỗ, lợi dụng... của các đối tượng xấu trên không gian mạng.
Kỳ 2: Hot trend trên tiktok “xâm lấn” giới trẻ
Nhiều nội dung nhạy cảm nhưng không giới hạn độ tuổi đang dấy lên nỗi lo trong các bậc phụ huynh. Ảnh: H.Y

Tiktok nở rộ “hot trend”, trẻ nhỏ hồn nhiên bắt chước

Tính đến thời điểm hiện nay, mạng xã hội tiktok đang trở thành một nền tảng nổi bật và phát triển nhanh chóng, phổ biến rộng rãi, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở Việt Nam, số người sử dụng mạng xã hội tiktok cũng tăng nhanh. Với đặc điểm là những video được đăng tải có nội dung ngắn gọn, dễ xem, dễ nhớ, tiktok trở thành một công cụ hiệu quả để lan tỏa những thông điệp tích cực đến cộng đồng.

Một điều dễ nhận thấy là khác với facebook và youtube, người dùng không mất thời gian truy cập trang và gõ tìm kiếm, thay vào đó những nội dung trên tiktok sẽ tự động tìm đến người dùng. Bên cạnh mặt tích cực thì những trend trên tiktok cũng như con dao hai lưỡi với người dùng.

Không khó để bắt gặp những trào lưu phản cảm, nhảy múa khoe thân với những vũ điệu gợi dục, thậm chí là những tạo hình “không giống ai”. Ngoài ra phải kể đến những video mang tính bạo lực cũng đang gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với người dung, nhất là ở độ tuổi trẻ, chưa đầy đủ nhận thức.

Thế nên, nếu không tỉnh táo, người sử dụng mạng xã hội này, nhất là lứa tổi học đường sẽ dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm.

Chị Kiều Oanh khá bất ngờ khi con gái lớp 4 đang chăm chú xem các video ngắn trên tiktok. Những vũ đạo nhạy cảm, những bộ trang phục thiếu vải lại là những clip hút view trẻ nhỏ.

“Công việc bận rộn nên có những thời điểm tôi không kiểm soát được những nội dung mà con xem”, chị Kiều Oanh chia sẻ.

Không chỉ riêng con chị Kiều Oanh mà hiện này hầu như các em nhỏ đều nghiện tiktok. Em Gia H. (học sinh lớp 5 tại Hà Nội ) cho biết thay vì đọc sách thì khi giải trí em sẽ vào xem tiktok. Em cho biết thường xem các clip của thần tượng, của các ca sĩ hoặc các clip theo trào lưu. Gia H. thừa nhận các clip đó rất hấp dẫn và em thường xem rất lâu và chỉ ngưng khi bị bố mẹ nhắc nhở.

Trong khi đó, em Thanh N. (học sinh lớp 6 tại Hà Nội) cũng rất yêu thích nền tảng mạng xã hội này. Em cho biết hay xem các clip về game trên tiktok, các clip nhảy nhót, các trend thử thách… rồi khi đến trường thì N. và các bạn cùng lớp sẽ chia sẻ, bàn tán trêu đùa nhau theo các trào lưu trên tiktok.

Gia H. hay Thanh N. không phải là trường hợp cá biệt mà gần như ở thời điểm hiện tại, tiktok đang thật sự “xâm lấn” vào trong đời sống của lứa tuổi học đường. Không thừa nhận là “nghiện” tiktok nhưng các em đều thừa nhận rằng mạng xã hội tiktok là kênh giải trí được các em lựa chọn mỗi khi rỗi.

Những nội dung độc hại đầy nguy hiểm với tuổi học đường

Khác với hai nền tảng đình đám là là youtube và facebook, mạng xã hội tiktok hoạt động theo cơ chế cung cấp cho người dùng một chế độ xem tự do và đơn giản hơn, tư duy lý trí của người dùng không còn cần thiết khi các yếu tố kích thích như âm thanh, hình ảnh xuất hiện liên tục. Người dùng chỉ cần bật tiktok là có nội dung xem tức thì, mà không cần suy nghĩ lựa chọn xem gì hay như thế nào. Nếu người dùng không thích nội dung đang phát thì chỉ cần một cái lướt tay, nội dung khác sẽ xuất hiện trong chốc lát.

Chính vì sự tiện lợi, ít kiểm duyệt nên nền tảng tiktok chứa nguồn nội dung phong phú theo nghĩa “thượng vàng hạ cám”. Không phủ nhận một số kênh tiktok có nội dung hay, có giá trị… nhưng phần lớn nền tảng mạng xã hội này chứa các nội dung xàm, nhảm, bạo lực, mê tín… nghiêm trọng hơn là các nội dung đả kích chính quyền, phát tán tư tưởng tào lao nhiều vô kể…

Đáng lo ngại nhất là các nội dung trên tiktok không có giới hạn độ tuổi hoặc cảnh báo trong khi người dùng phần lớn là các em nhỏ vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Là người mẹ có hai con đang tuổi ăn tuổi học, chị Ngọc Thanh (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Do ở nhà không có ông bà, tôi phải cho các con dùng điện thoại để tiện liên lạc. Thế nên, dù nhắc nhở con liên tục nhưng tôi không thể nào theo sát các con được. Một lần, tôi đã phải dành thời gian để nói chuyện với các con khi mà tôi vô tình thấy các con của mình xem một clip có nội dung bạo lực và đầy nhưng câu chửi tục”.

Có thể thấy rằng, sự kiểm duyệt lỏng lẻo của tiktok đã được các cá nhân làm tiktok lợi dụng và khai thác triệt để. Cùng với đó, nắm bắt được tâm lý tò mò, bắt chước của tuổi trẻ nên các tiktok này không đề cao nội dung có tính giáo dục mà chỉ sản xuất ra các clip nhằm lôi kéo sự hiếu kỳ của người xem qua những chuyện giật gân, đánh ghen, nhảy nhót, ăn mặc nói năng phản cảm làm thước đo cho sức hút... theo tiêu chí “càng nhảm càng tốt, càng xàm càng nhiều view”.

Theo chị Ngọc Thanh, nên có những biện pháp bắt buộc tiktok phải quản lý nội dung tốt hơn, nếu họ không chịu thực hiện thì xem xét cấm luôn. Những thông tin kiểu mì ăn liền trên tiktok có thể thấy rằng lợi thì ít mà hại thì nhiều.

Có thể thấy rằng, vấn nạn clip nhảm nhí, độc hại… trên nền tảng tiktok vẫn đang tồn tại và ngày càng có xu hướng nở rộ. Trong khi cấp quản lý chưa có các quy định hiệu quả đối với nền tảng này thì chúng ta vẫn phải chấp nhận sống chung, mỗi phụ huynh cần phải có các biện pháp hiệu quả để có thể bảo vệ con mình trước những tác động tiêu cực từ nền tảng mạng xã hội này.

(Còn nữa)

Không thể phủ nhận rằng, ở thời đại công nghệ số, tiếp xúc và sử dụng internet sớm đã giúp trẻ chủ động tiếp cận kiến thức mới, mở rộng tư duy, sáng tạo… Tuy nhiên, internet và nhất là mạng xã hội phổ biến như facebook, zalo, youtube, tiktok… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tiêu cực nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều và thiếu định hướng từ người lớn.

Kỳ 1: Muôn hình vạn trạng hình thức quảng cáo Kỳ 1: Muôn hình vạn trạng hình thức quảng cáo

Không qua kiểm duyệt, càng ít bị quản thúc bởi những quy định pháp luật, các quảng cáo trên MXH xuất hiện theo kiểu “không ...

Thái Phương – Hải Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động