Thứ hai 25/11/2024 19:01
Vai trò của không gian công cộng trong đời sống đô thị

Kỳ 1: Phố đi bộ-điểm nhấn kết nối văn hóa Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không gian công cộng (KGCC) đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội: Làm tăng sự gắn bó của cư dân với khu phố, thành thị và cộng đồng địa phương, khuyến khích sự tương tác, hòa nhập xã hội… Đồng thời, chính các KGCC thể hiện rõ bản sắc văn hóa, lối sống của đô thị.
Bài 1: Phố đi bộ điểm nhấn kết nối văn hóa
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn mở cửa trở lại với diện mạo mới, thu hút đông đảo người dân tìm đến vui chơi

Góp phần định hình văn hóa cho người dân

Nếu như văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư trước đây gắn liền với giếng nước, sân đình, ngõ xóm là KGCC thì dường như cuộc sống hiện đại đã làm mất và thiếu hụt đi những không gian như vậy. Chính vì thế, trong nhịp sống đương đại hiện nay rất cần những thiết kế đô thị có khả năng định hình văn hóa cho người dân và xác định được vai trò của KGCC trong tiến trình phát triển đô thị để có hướng phát triển hợp lý.

Khái niệm về KGCC có thể được định nghĩa là một không gian mở, nơi tất cả mọi người có thể tiếp cận dễ dàng một cách miễn phí như: Công viên cây xanh, khu vực tự nhiên, quảng trường, khu chợ, khu phố đi bộ, phần kết nối đô thị như đường phố, vỉa hè, đường đi dạo, bến đợi xe bus và một số phần ven hồ, ven sông, ven biển cũng được tính vào KGCC…

KGCC không chỉ tính các không gian ngoài trời, mà còn tính cả các không gian trong nhà như: Trung tâm thương mại, nhà ga, sảnh nhà hát lớn, sân trước nhà thờ, một thư viện hay khuôn viên một cơ sở cộng đồng khác. Những không gian này ngoài yếu tố xã hội còn có ý nghĩa phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện sự kết nối.

Ở nước ta, thuật ngữ KGCC lần đầu tiên xuất hiện trong Nghị định số 42/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị. Tiếp đó, được định nghĩa chính thức tại Thông tư số 19/2010/TT – BXD là các “công viên và vườn hoa/sân chơi”.

Và KGCC ở đây sẽ không đơn thuần chỉ là công viên cây xanh hay các phố đi bộ cuối tuần, cần có thêm những khu vực quảng trường, sân chơi, khu vực sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa.

Điều quan trọng đối với một KGCC hiệu quả phải là nơi tiếp cận tự do, cởi mở, mang lại cảm giác thoải mái và an toàn cho những người sử dụng. Đồng thời khuyến khích sự tương tác xã hội giữa cư dân và cung cấp các hoạt động hoặc sự kiện thu hút mọi người.

Ngoài ra, KGCC còn có nhiều chức năng trong như: Là nơi sinh hoạt cư dân, nơi thăm quan du lịch, các hoạt động giải trí như gặp gỡ, đi dạo hoặc trang trọng hơn như các cuộc tụ họp, lễ kỷ niệm. Nhưng dưới thách thức của gia tăng đô thị hóa, với lối sống khác biệt giữa thành thị và nông thôn, những thay đổi trong nền kinh tế, trong cách sống, trong hành vi xã hội và văn hóa, các KGCC dường như chưa phát triển xứng tầm tiềm năng.

Nâng cao nhu cầu hưởng thụ tinh thần cho cộng đồng

Phố đi bộ, nằm trong tổng quan của KGCC, là nơi dành cho việc đi bộ, không có phương tiện cơ giới lưu thông... chính những không gian này, góp phần tăng cường không gian văn hóa - kinh tế, tăng thêm cơ hội hưởng thụ lợi ích vật chất, tinh thần cho cộng đồng.

Ở nhiều đô thị, khu vực trung tâm là nơi tập trung số lượng và mật độ cao người đi bộ do tính chất thương mại, dịch vụ và du lịch, tập trung nhiều công trình lịch sử - di sản, nơi thường xuyên tổ chức những sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Để có thể phát triển những phố đi bộ, các cơ quan chức năng đã lựa chọn những con đường có tiềm năng về văn hóa, kinh tế để thu hút du khách trong và ngoài nước như, cảnh quan tự nhiên và nhân văn độc đáo, cây xanh, vỉa hè rộng thoáng, công trình di sản, thường xuyên có hoạt động văn hóa như âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật hoặc chuyên doanh thời trang, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ... Việc tạo lập thêm các phố đi bộ nhằm hướng đến việc tạo ra và nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân tại các không gian văn hóa công cộng của TP.

Theo đó, sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19, vào tối 7/5, không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - phố đi bộ Trịnh Công Sơn mở cửa trở lại với diện mạo mới, tạo ra sân chơi đầy màu sắc mới lạ cho nhân dân Thủ đô. Trong ngày đầu tái khởi động đã diễn ra chương trình nghệ thuật hấp dẫn "Có những con đường" thu hút đông đảo người dân đến thăm quan, vui chơi ngày cuối tuần. Qua đó, lan tỏa sức sống mới, tươi trẻ, đầy màu sắc của phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu xu hướng phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị. Bên cạnh phố đi bộ quanh Hồ Gươm và khu phố cổ, Thủ đô đã và sẽ có thêm không gian đi bộ ở nhiều quận huyện như Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Sơn Tây...

Hàng loạt phố đi bộ khác cũng đang được các quận, huyện đề xuất như: phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3,…

Bởi chính sách biến các con phố quanh Hồ Gươm thành phố đi bộ vào tối cuối tuần của chính quyền thành phố đã đem đến hiệu quả mạnh mẽ về mặt văn hóa cho thấy chính sách đúng sẽ tác động tới nhận thức và phát triển đời sống tinh thần người dân như thế nào!

Tiếp đó, thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội, sau phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Được biết, sau những ngày đầu mở cửa, nhiều người dân cho biết, họ rất háo hức đón chờ được trải nghiệm phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Theo đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, tái hiện nghề truyền thống, triển lãm tranh về quê hương Sơn Tây,… được người dân nhiệt tình đón nhận, đồng thời là điểm nhấn phát triển kinh tế, du lịch địa phương.

Từ những lợi ích của các phố đi bộ đem lại, người dân rất ủng hộ chủ trương mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ tại Hà Nội. Nhưng các chuyên gia và người dân cũng cho rằng, cần tạo thêm điểm nhấn cho từng không gian, để mỗi phố đi bộ sẽ mang màu sắc riêng. Đồng thời, chính các tuyến phố này sẽ là điểm đến văn hóa không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của Nhân dân Thủ đô và là điểm đến nhiều màu sắc của khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, phố đi bộ rất phổ biến tại các thành phố lớn trên thế giới. Mô hình này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân và xu hướng văn minh, hài hòa giữa yếu tố "hành chính, thương mại" với "văn hóa, cộng đồng" tại đô thị.

(Còn nữa)

Linh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động