Thứ tư 04/12/2024 08:55
Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND TP Hà Nội

Củng cố hành lang pháp lý xóa nhà siêu mỏng, siêu méo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 61 quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai, có hiệu lực từ ngày 7/10/2024. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.
Củng cố hành lang pháp lý xóa nhà siêu mỏng, siêu méo
Một căn nhà “siêu mỏng” đang tồn tại trên phố Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Thái An

Phá vỡ kiến trúc đô thị

Thực tế, câu chuyện về những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là mới diễn ra mà nó đã kéo dài qua nhiều năm. Không khó để bắt gặp dọc một số tuyến đường trên địa bàn Thủ đô như Vũ Trọng Phụng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Minh Khai… sau giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án mở rộng đường đã xuất hiện những ngôi nhà có diện tích chỉ vài mét vuông, hình thù kỳ dị.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân, khi diện tích quá nhỏ hẹp khiến kết cấu của những ngôi nhà này không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Bà Phạm Thị Miến, ở phố Trường Chinh, quận Đống Đa cho biết: “Từ khi triển khai mở rộng tuyến đường, người dân chúng tôi phấn khởi vì không còn nỗi khổ tắc đường. Tuy nhiên, từ sau khi giải phóng mặt bằng tình trạng những ngôi nhà dạng này lại xuất hiện, xây dựng nhanh chóng. Có căn nhà chỉ còn lại khoảng đất hình tam giác nhọn, được sửa sang, chắp vá tạm bợ. Tình trạng này khiến các con đường, tuyến phố trở nên xấu xí, quy hoạch chung đô thị bị phá vỡ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”.

Ông Nguyễn Văn Bốn, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Có những nhà chỉ rộng 3m, sâu 4m, hoặc sâu chỉ 2m nhưng trải dài đến 7, 8m. Điều này thật sự rất khó khăn, bởi nhu cầu cuộc sống của mỗi người cần phải được đảm bảo để có chỗ kinh doanh và bày bán trên mặt phố. Tôi hy vọng chính sách mới sẽ giúp đỡ người dân và tất cả cùng đồng lòng thực hiện các quy định một cách rõ ràng”.

Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều giải pháp (vận động hợp thửa hay thu hồi làm công trình công cộng...) để xử lý những diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng và công trình nhà ở siêu mỏng, siêu méo, qua đó một lượng lớn công trình không đủ điều kiện đã được giải quyết.

“Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp tồn đọng từ lâu chưa thể giải quyết vì quá trình hợp thửa là sự thỏa thuận về giá mua bán giữa các chủ sở hữu, trong khi nhiều trường hợp đã xây dựng ổn định hoặc không đủ điều kiện tài chính nên không có nhu cầu hợp thửa. Còn đối với việc thu hồi để làm công trình công cộng cũng không dễ dàng bởi người dân khó chấp thuận mức giá bồi thường theo khung quy định...” - ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.

Củng cố hành lang pháp lý xóa nhà siêu mỏng, siêu méo
Ngôi nhà méo mó, xâp xệ chưa đến 10m2 sau giải tỏa làm đường tại ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Thái An

Quyết tâm xóa bỏ tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo

Trong nỗ lực để xóa bỏ tình trạng này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024 quy định rõ việc xử lý các trường hợp đất ở không đủ điều kiện tồn tại khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế -xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích quốc phòng, an ninh. Đây được coi là hành lang pháp lý quan trọng trong xác định, xử lý các trường hợp đất nhỏ, lẻ, không đủ điều kiện tồn tại sau giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án.

Theo quyết định này, các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, đối với đất ở là thửa đất sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15m², kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m; thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa…

Quyết định cũng nêu rõ việc hợp thửa đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại. Theo đó, trường hợp không thực hiện được việc hợp thửa đất do không đủ điều kiện để cho phép hợp thửa đất hoặc người sử dụng đất không có nhu cầu, không thực hiện được thỏa thuận hợp thửa đất, UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý theo quy định của pháp luật.

Với việc ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND, hành lang pháp lý được củng cố nhưng theo một số chuyên gia, mặc dù đã có quy định nhưng việc xử lý triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn chưa đạt được hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu kiên quyết trong quản lý của chính quyền địa phương và các quy định pháp luật còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Xem xét dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quy định về việc hợp thửa đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại tại Điều 15 của Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND chưa rõ ràng về mặt kỹ thuật, dẫn đến những vướng mắc. “Theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND, trường hợp người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp, UBND cấp huyện thông báo, hướng dẫn người đang sử dụng đất thực hiện thỏa thuận về chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất để hợp thửa đất theo quy định… Tuy nhiên, Điều 220, Luật Đất đai năm 2024 quy định về tách, hợp thửa đất quy định, việc hợp thửa phải bảo đảm nguyên tắc các thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có cùng mục đích sử dụng.

Như vậy, phần đất còn lại sau thu hồi, dù nhỏ tới bao nhiêu, cũng phải được cấp “sổ đỏ”, sau đó mới đủ điều kiện hợp thửa. Trong trường hợp này có cấp sổ cho thửa đất không đủ điều kiện tồn tại để hợp thửa với thửa liền kề hay thực hiện như nào? Quy định chưa thực sự rõ có thể gây bất cập trong thực tiễn. Từ bất cập trên, luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, với phần đất còn lại, chính quyền địa phương cần thu hồi và quản lý. Quyết định 61/2024/QĐ-UBND TP Hà Nội nếu được thực thi quyết liệt, đồng bộ sẽ tạo ra chuyển biến tích cực về bộ mặt đô thị, góp phần vào mục tiêu phát triển Hà Nội trở thành đô thị đáng sống, văn minh và hiện đại.

Đối phó với nhà “siêu mỏng, siêu méo”: Không để xảy ra “việc đã rồi” Đối phó với nhà “siêu mỏng, siêu méo”: Không để xảy ra “việc đã rồi”
Ngăn chặn hiện tượng nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” Ngăn chặn hiện tượng nhà “siêu mỏng”, “siêu méo”
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động