Thứ bảy 08/02/2025 07:39
Lừa đảo trực tuyến hay sự hấp dẫn của “việc nhẹ lương cao”

Kỳ 1: Lừa đảo luôn thay đổi theo xu hướng thời sự

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cùng với sự phát triển của công nghệ và sự bùng nổ của mạng xã hội, các chiêu trò lừa đảo trực tuyến cũng gia tăng. Các cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo trực tuyến được các cơ quan chức năng phát đi hàng tuần, thậm chí hàng ngày, và tình trạng này e rằng sẽ không sớm dừng lại.
LTS: Theo các khảo sát, cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ này chiếm 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. Lừa đảo trực tuyến hiện đang là vấn đề nan giải không chỉ tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc phòng tránh lại vô cùng khó khăn, khi các hình thức lừa đảo của tội phạm ngày càng tinh vi và luôn thay đổi theo xu hướng thời sự, khiến người dân không kịp đề phòng. Một thực trạng nữa là sự tham gia của một số cá nhân thuộc tầng lớp trẻ, khiến tình hình lừa đảo càng trở nên rối ren và phức tạp.
Kỳ 1: Lừa đảo luôn thay đổi theo xu hướng thời sự
Cảnh báo các chiêu trò xem bói, giải hạn trực tuyến. Ảnh: Cục ATTT

Lừa đảo thay đổi theo xu hướng thời sự

Mới đây, Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin & Truyền thông đã phát đi cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo trực tuyến dịp sau Tết. Các chiêu trò này bao gồm xem bói, giải hạn trực tuyến, giả mạo nhà mạng...

Mặc dù các chiêu trò này không phải là mới, nhưng chúng luôn biến tướng và được cập nhật theo từng thời điểm cụ thể. Chúng thậm chí còn lợi dụng tâm lý của người dân. Ví dụ, trước Tết, người dân thường tìm tiền lẻ, tiền mới để mừng tuổi, thì các đối tượng lừa đảo lại khai thác tâm lý này để thực hiện hành vi của mình.

Tương tự, vào dịp Tết, khi nhiều người mong muốn biết "vận mệnh" hay "giải hạn" trong năm, các đối tượng lừa đảo tiếp tục lập các trang web, tài khoản, hay fanpage để mời gọi và dụ dỗ con mồi...

Theo thông tin ghi nhận, vào dịp Tết 2025 vừa qua, lợi dụng yếu tố tâm linh trong những ngày đầu năm khi nhiều người đi khấn bái với mong muốn năm mới bình an, phát tài, tình trạng xem bói online (trên mạng xã hội) liên tục nở rộ. Các hội nhóm này có tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia. Mê tín, dị đoan được hiểu là việc con người có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ như: bói toán, bùa chú, giải hạn,… nhằm khiến người nghe tin vào các hiện tượng siêu nhiên, huyền bí.

Do đó, nạn nhân của các chiêu trò trên thường rơi vào trạng thái bế tắc, mất niềm tin vào cuộc sống thực, và dễ dàng tin vào những yếu tố tâm linh. Các đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng tâm lý đó, sử dụng lời lẽ đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi và mong muốn được giải hạn. Nhiều người đã phải chi một khoản tiền lớn để giải hạn hoặc cầu xin vật chất. Thậm chí, có những trường hợp kẻ xấu còn dùng bùa, ngải để hãm hại người khác.

Kỳ 1: Lừa đảo luôn thay đổi theo xu hướng thời sự
Cảnh báo lừa đảo đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết. Ảnh: Cục ATTT

Trước đó, khi Quyết định số 2345 của NHNN về việc các giao dịch trên 10 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, một hình thức lừa đảo mới cũng nổi lên mạnh mẽ. Theo ghi nhận từ các chuyên gia Bkav, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, các đối tượng xấu giả danh cán bộ ngân hàng để vờ hỗ trợ cài đặt và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ ngân hàng qua điện thoại, tin nhắn, kết bạn qua Zalo, Facebook… và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, ảnh căn cước công dân, ảnh khuôn mặt, thậm chí cả giọng nói và cử chỉ của khách hàng. Khi có được thông tin, chúng dễ dàng đăng nhập vào tài khoản và đánh cắp toàn bộ tiền của nạn nhân.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, các hình thức lừa đảo của tội phạm ngày càng tinh vi và thay đổi liên tục, khiến nhiều người bị mất cảnh giác và bị chiếm đoạt tiền trong vài phút.

Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến năm 2024 lên tới 18.900 tỷ đồng

Cuối năm 2024, Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã công bố báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024. Khảo sát được thực hiện từ ngày 28/11 đến ngày 14/12 với hơn 59.000 người tham gia.

Báo cáo chỉ ra rằng lừa đảo trực tuyến vẫn tiếp tục hoành hành, gây hậu quả nặng nề cho hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam trong năm 2024. Theo khảo sát, cứ 220 người dùng thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ này đạt 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, số nạn nhân bị lừa đảo là rất lớn, nhưng số người có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè khi bị lừa, nhưng chỉ có 45,69% người trả lời đã báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp.

Kỳ 1: Lừa đảo luôn thay đổi theo xu hướng thời sự
Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người Việt năm 2024. Ảnh minh hoạ: Duy Linh

Các chuyên gia cho rằng việc báo cáo với các cơ quan chức năng khi gặp phải lừa đảo là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của bản thân và ngăn chặn hành vi phạm pháp. Việc báo cáo sẽ giúp cơ quan chức năng có thông tin kịp thời để điều tra, thu thập bằng chứng, từ đó tăng khả năng truy bắt và xử lý các đối tượng lừa đảo. Thứ hai, việc báo cáo cũng có thể giúp người bị hại phục hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, đặc biệt khi cơ quan chức năng can thiệp sớm và phong tỏa được tài sản liên quan.

Hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Ba hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; và lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.

Theo kết quả khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro và lợi nhuận cao. 62,08% cho biết đã nhận cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, tòa án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe dọa phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch. 60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.

Bên cạnh các kịch bản tinh vi, các đối tượng lừa đảo cũng đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như: Trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân; chatbot để giao tiếp liên tục với nạn nhân; và phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc… Việc sử dụng công nghệ cao khiến nhiều nạn nhân không thể phân biệt thật giả, dẫn đến dễ dàng bị mắc lừa.

(Còn nữa)

Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động