Kỳ 1: Chủ hàng “mất trắng” vì biên lai chuyển khoản giả
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Nguyễn Thị Oanh bị bắt giữ. Ảnh: CQCA |
Khi công nghệ thông tin phát triển, phương thức chuyển khoản, thanh toán trực tuyến cho các giao dịch mua bán hàng hóa trực tiếp, online, trở thành nhu cầu thiết yếu thì xuất hiện những chiêu trò làm giả biên lai chuyển tiền thành công của các ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người bán cũng nở rộ.
Chiêu trò tinh vi của các “nữ quái”
Vừa qua, CA quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đơn vị này nhận được trình báo của chị Phạm Bảo N, SN 1988, sinh sống trên địa bàn quận về việc bị một đối tượng lừa đảo mua mỹ phẩm giá trị lên tới 300 triệu đồng. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Đội CSHS đã nhanh chóng vào cuộc xác minh. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên xác định thủ phạm của vụ án là Nguyễn Thị Oanh, SN 1990, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội.
Theo đó, vào năm 2022, Oanh biết đến cửa hàng mỹ phẩm trực tuyến của chị N. Thời gian đầu, Oanh sử dụng số điện thoại, tài khoản Zalo, tài khoản ngân hàng chính chủ để giao dịch mua bán mỹ phẩm với chị N. Sau nhiều lần giao dịch, Oanh nhận thấy cửa hàng chị N không thường xuyên kiểm tra tài khoản nhận tiền mà chỉ cần khách gửi hình ảnh chuyển khoản thành công thì sẽ chuyển hàng nên lên kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị N.
Để thực hiện hành vi, Oanh mua các sim “rác” và đăng ký tài khoản Zalo ảo có tên “Nguyễn Trâm” để liên lạc mua bán mỹ phẩm với chị N. Thấy khách báo số lượng mỹ phẩm cần mua, chị N chỉ đạo nhân viên lên đơn hàng, báo giá và yêu cầu “Nguyễn Trâm” chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng Techcombank của người thân. Lúc này, Oanh sử dụng máy tính cá nhân chỉnh sửa hình ảnh biên lai “chuyển tiền thành công” theo số tiền mà chị N yêu cầu rồi gửi lại cho chị N để xác nhận.
Nhận được hình ảnh chuyển tiền, chị N và nhân viên không kiểm tra xem tài khoản ngân hàng đã nhận được tiền chưa nhưng vẫn chuyển đơn hàng theo yêu cầu của Oanh. Sau đó, Oanh lấy số mỹ phẩm chiếm đoạt được bán lại cho nhiều người khác nhau để tiêu xài cá nhân.
Bằng thủ đoạn nêu trên, Oanh đã nhiều lần chiếm đoạt thành công tài sản của chị N với giá trị trên 300 triệu đồng. Gần nhất, ngày 18/12/2023, Oanh chiếm đoạt của chị N 120 cây son Black ROUGE A12 và 40 cây son kem Bbia Last Velvet Lip Tint Bb02 với tổng số tiền là 17,16 triệu đồng. Căn cứ vào tài liệu điều tra, ngày 16/1/2024, CA quận Cầu Giấy đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Oanh để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng với hình thức làm giả biên lai chuyển khoản, trước đó, vào cuối tháng 11/2023, CA quận Ba Đình, Hà Nội cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thúy, SN 1984, trú tại tỉnh Nam Định về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại CQCA, Nguyễn Thị Thúy khai nhận, đã đến một cửa hàng điện thoại tại phường Kim Mã, quận Ba Đình để mua một chiếc điện thoại di động trị giá khoảng 34 triệu đồng. Khi thanh toán, Thúy đưa hình ảnh thông tin đã chuyển khoản thành công đến tài khoản của cửa hàng, nhưng quản lý cửa hàng kiểm tra tài khoản thì chưa nhận được tiền, nghi ngờ là hình ảnh giả mạo nên đã báo CQCA và bắt giữ đối tượng.
Điều tra mở rộng, ngoài vụ việc trên, bằng việc móc nối với một số đối tượng lừa đảo, trước đó vào đầu tháng 10/2023, cũng với thủ đoạn tương tự, Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 10 triệu đồng của một chủ quán gội đầu tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Thủ đoạn của các đối tượng này vô cùng tinh vi, thời gian làm giả hình ảnh chuyển khoản chỉ mất chưa đầy một phút khiến nhiều nạn nhân không hề mảy may nghi ngờ.
Đối tượng Hoàng Ngọc Khải sử dụng phần mềm Fakebillck để tạo biên lai xác nhận đã chuyển tiền. Ảnh: CQCA |
Cơ quan công an cảnh báo
Chị Nguyễn Thùy Dương, chủ một quán tạp hóa ở quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ về việc bị “khách” lừa tiền bằng biên lai chuyển tiền thành công giả. Theo chị Dương, quán của chị khá đông khách và lâu nay chị thường xuyên giao dịch chuyển khoản.
Vào ngày 30/12/2023, dịp Tết Dương lịch, quán của chị Dương đông khách hơn ngày thường rất nhiều. Lợi dụng việc này, có một vị khách đã đến mua 2 triệu đồng tiền hàng và nhờ đổi 3 triệu đồng chuyển khoản lấy tiền mặt. Sau đó, vị khách này cũng đã quét mã QR tại quán của chị Dương rồi đưa điện thoại cho chị Dương xem nội dung chuyển khoản thành công số tiền 5 triệu đồng.
Vì đang đông khách nên khi thấy biên lai trên điện thoại của khách, chị Dương chủ quan vội đưa số hàng khách mua và đưa thêm 3 triệu đồng tiền mặt khách đổi mà không kiểm tra điện thoại của mình xem có tiền hay chưa. Cuối ngày khi thống kê tiền hàng chị Dương mới biết mình bị lừa, tiền chưa vào tài khoản.
Công nghệ hiện đại, phương thức thanh toán trực tuyến trở nên phổ biến và cũng thuận tiện cho cả khách lẫn chủ hàng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều kẽ hở. Đối tượng lừa đảo chỉ cần chụp hình ảnh thông báo giao dịch thành công từ app của ngân hàng là dễ dàng tạo được lòng tin của người bán khiến không ít chủ cửa hàng lâm vào tình cảnh “mất trắng tiền hàng”.
Mới đây, vào ngày 17/1/2024, Công an huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Hoàng Ngọc Khải, SN 1998, trú tại Khu 13, Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, với thủ đoạn vào các cửa hàng mua hàng và đổi tiền mặt, Khải thoả thuận giao dịch bằng hình thức chuyển khoản nhưng thực tế không chuyển mà dùng phần mềm Fakebillck để tạo biên lai xác nhận đã chuyển tiền. Sau đó, đối tượng đã đưa biên lai giả cho người bán hàng xác nhận giao dịch.
Khi người bán thắc mắc tại sao chưa nhận được tiền thì ngay lập tức đối tượng nói do khác ngân hàng nên bị chậm. Sau cùng, lấy lý do chờ xe khách nên phải đi ngay để chiếm đoạt tiền từ người bán hàng.Với thủ đoạn này, Khải đã lừa được 5 chủ cửa hàng trên địa bàn huyện Yên Thủy, đến cửa hành thứ 6 thì bị bắt.
Công an huyện Yên Thuỷ cũng phát đi cảnh báo người dân cần cẩn trọng với thủ đoạn lừa đảo này, do ảnh được tạo bởi phần mềm Fakebillck rất giống với giao diện chuyển khoản của các ngân hàng phổ biến hiện nay, rất khó để phân biệt bằng mắt thường.
Để tránh trường hợp gặp phải trường hợp bị lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền thành công, CQCA đưa ra các khuyến cáo sau:
Người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng đến tài khoản của mình thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.
Ngoài ra, lưu ý không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan Nhà nước.
Trường hợp phát hiện cần liên hệ Cảnh sát khu vực/CA cơ sở hoặc CQCA gần nhất để được hướng dẫn hoặc thực hiện tố giác tội phạm qua chức năng gửi kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự trên ứng dụng VNeID.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại