Kì 1: Những cú trượt ngã…
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều cán bộ, công chức “ngã ngựa”!
Điểm nhấn đầu tiên trong câu chuyện này, có lẽ xin được nhắc tới là vụ án liên quan Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu mà Công an Nghệ An khởi tố vào tháng 7-2020. Trong vụ án này, lần lượt các đối tượng gồm Nguyên trưởng Ban dân tộc cùng 2 thuộc cấp và 1 doanh nghiệp đã bị CA Nghệ An lần lượt khởi tố.
Đối tượng Lương Thanh Hải (SN 1962) – Nguyên trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An bị khởi tố hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Các đối tượng Kim Văn Bốn (SN 1982), cán bộ Phòng Chính sách, Nguyễn Tâm Long (SN 1974) quyền Trưởng phòng Chính sách, Chu Thị Thúy Khanh (SN 1974), Kế toán Ban Dân tộc, Lê Văn Sơn (SN 1962) và Nguyễn Đình Thịnh (SN 1981) là Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty xây dựng Văn Sơn cùng bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, các đối tượng đã cấu kết với nhau, lập khống hóa đơn, chứng từ, nâng khống khối lượng các hạng mục thi công để thanh toán số tiền hơn 1,3 tỷ đồng...
Cuối năm 2021, Liên quan đến vụ án về sai phạm trong cấp đất tái định cư tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, CA đã ra quyết định khởi tố đối với Phạm Dương Khánh - thành viên Tổ tư vấn Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng UBND huyện Nghi Lộc về tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phạm Dũng Sỹ - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nghi Phong về tội giả mạo trong công tác, Hồ Xuân Linh - cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Nghi Phong về tội giả mạo trong công tác.
Trước đó, liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Đình Hải (SN 1965, nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong) và Nguyễn Hồng Đức (SN 1978, công chức địa chính xã Nghi Phong) đã bị khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Nguyên Chủ tịch xã Nghi Phong, Nguyễn Đình Hải (mặc thường phục) tra tay vào còng sau những sai phạm đương chức bị bóc mẽ |
Cũng trong năm 2021, nhiều cán bộ, công chức cấp xã tại huyện Quỳnh Lưu “gặp hạn với hàng loạt vụ việc được Cơ quan CA khởi tố, điều tra. Điển hình như việc khởi tố bị can đối với Lê Thị Hương Giang (40 tuổi) nguyên công chức địa chính xã Quỳnh Châu về hành vi Giả mạo trong công tác, khởi tố ông Nguyễn Bỉnh Khảng (58 tuổi) là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Châu, ông Khảng nguyên là Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu và ông Hoàng Văn Chắt (59 tuổi) nguyên viên chức Văn phòng đăng ký và sử dụng đất huyện Quỳnh Lưu về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Liên quan tới vụ án này, Cơ quan CA cũng đã khởi tố thêm 2 bị can là Thái Thị Lý (60 tuổi) và Thái Doãn Hường (56 tuổi) đều trú tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu về tội “Đưa hối lộ”.
Hay mới đây, vào cuối tháng 3-2022, CA Nghệ An khởi tố Nguyễn Trọng Bình (SN 1962), Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Phan Đình Hiền (SN 1977), chuyên viên Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An) và Lưu Thị Thanh Tâm (SN 1973), chuyên viên Phòng Phát triển doanh nghiệp (Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An) về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ.
Hành vi gian xảo đến mấy cũng lộ diện
Những vụ án mà chúng tôi điểm nêu trên mới chỉ là sơ lược ngắn về một “bản danh sách đen” trong vài năm trở lại đây tại Nghệ An nhiều cán bộ, công chức rơi vào vòng lao lý, đối diện với pháp luật, tù tội. Gần hai năm qua, mọi ngóc ngách, khía cạnh, đơn vị với những sai phạm đã được kịp thời phanh phui làm sáng tỏ. Từ vấn đề đất đai, đến dự án, tài chính,...được che dấu gian xảo, mưu mô tới đâu cũng đều được phát giác, đấu tranh làm rõ. Và hậu quả là nhiều cán bộ, công chức những tưởng “thoát nạn” sau nghỉ hưu, hay nghĩ “bở ăn” nhờ phi vụ làm sai...đều lần lượt tra tay vào còng, chờ ngày nhận bản án thích đáng.
Điểm qua những vụ án ấy cho thấy, có những sai phạm tốn tại nhiều năm trời nhưng rồi “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, và thực tế khi “ung nhọt vỡ” hệ lụy hậu quả không chỉ lớn về vấn đề sai phạm, những con số tài chính lớn, mà còn liên quan tới nhiều người, nhiều vị trí, chức vụ, kéo theo đó đôi khi là lãnh đạo và nhiều thuộc cấp của một cơ quan, đơn vị lần lượt tra tay vào còng. Đến khi vỡ lẽ ân hận thì tất cả đều đã muộn màng.
Nhiều hành vi vi phạm những tưởng được che giấu kỹ càng nhưng rồi chỉ tới đứng nghe lực lượng thực thi pháp luật đọc các Lệnh khởi tố, Quyết định truy tố bị can thì khi đó nhiều đối tượng mới ngã ngửa rằng “vải thưa làm sao che được mắt thánh”. Trong đó phải kể đến những vụ án kinh tế điển hình như vụ đề án Ơ Đu, vụ liên quan tới lập hồ sơ khống để nhận tiền đền bù đất xảy ra tại xã Nghi Phong huyện Nghi Lộc. Hay là vụ việc lập hồ sơ khống rút tiền ngân sách xảy ra tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành; là vụ việc sai phạm trong chi trả tiền hỗ trợ, khắc phục sản xuất cho người dân sau lũ lụt tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn...
Ba cán bộ cấp sở "lòi đuôi" sau nhiều năm sai phạm bị khởi tố |
Hay điển hình như câu chuyện liên quan tới Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An (CDC), là việc khởi tố đối với ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An, Nguyễn Thị Hồng Thắm - Kế toán trưởng. Trước khi bị khổ tố, bị bắt để điều tra, bản thân ông Định còn mạnh mồm tuyên bố không nhận bất kỳ một đồng tiền hoa hồng nào từ Cty Việt Á về những gói thầu liên quan kít test Covid. Bản thân các đối tượng dường như đã cho rằng những hành vi sai trái đã được che dấu kỹ càng, được hợp thức hóa phù hợp, việc nhận tiền hối lộ, bắt tay thổi giá kít test là hoàn hảo đến mức “thần không biết, quý không hay”. Để rồi khi được “gọi tên” thì còn tuyên bố vô tội, trong sạch, và chỉ khi cơ quan điều tra trưng ra chứng cứ thì mới ngoan ngoãn cúi đầu nhận tội.
Về cơ bản, những hành vi phạm tội trong các vụ án đều đã thực hiện hoàn thành, thậm chí đã hoàn thành từ lâu, nhưng mãi sau này mới bị phát giác, bị đấu tranh và làm rõ. Để đấu tranh thành công những chuyên án này, lực lượng CA đã thực sự hêt sức vất vả, tỉ mỉ, và mất rất nhiều thời gian, trí lực thì mới có thể đấu tranh thảnh công. Xác định với loại tội phạm này là khá mưu mô, hành vi sai phạm được thực hiện rất tinh vi, xảo quyệt.
Để vi phạm pháp luật, thường thì các đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, quyền thi hành công vụ, cấu kết với nhau thành một nhóm, một đường dây để rồi làm trái nhằm trục lợi. Cũng chính vì đều này dẫn tới việc khi phát hiện ra các sai phạm thì kéo theo nhiều đối tượng cùng liên quan một vụ việc. Đáng ra, khi thực thi nhiệm vụ, công vụ, phát hiện sai phạm, hoặc bị chỉ đạo làm sai thì phải kịp thời phản bác, chấn chỉnh, đường này lại hùa theo, móc ngoặc, tiếp tay, thậm chí còn xảy ra việc dụ dỗ, lôi kéo người khác rơi vào vòng lao lý. Và rồi khi bị phát giác thì không riêng cán bộ, công chức cấp thấp, mà ngay cả cán bộ, công chức cấp cao hơn cũng nhúng chàm theo một vụ việc.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại