Thứ ba 01/04/2025 22:23
Triệt phá công xưởng ma tuý ở tỉnh Khánh Hoà

Khung hình phạt của tội sản xuất trái phép chất ma tuý

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chuyên gia pháp lý cho biết, người cố ý thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma túy có thể bị xử phạt rất nặng tùy theo tính chất mức độ, số lượng, khối lượng chất ma túy trái phép đã sản xuất.
Khung hình phạt của tội sản xuất trái phép chất ma tuý
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an triệt phá xưởng sản xuất ma tuý trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: Bộ Công an

Trùm ma tuý sau lớp vỏ bọc dân chơi cá cảnh

Ngày 22/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04), Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa, Viện Khoa học hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Chi cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa, Chi cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan (Bộ Tài chính), Vụ 4 - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phá Chuyên án 199Đ, triệt phá tổ chức tội phạm sản xuất trái phép ma túy tổng hợp tại Khánh Hòa do các đối tượng người Trung Quốc cấu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Theo cơ quan chức năng, tháng 8/2024, lực lượng chức năng Việt Nam nhận được tin báo từ Trung Quốc về 2 đối tượng có “lịch sử” sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc đã xuất cảnh sang Việt Nam với lô hàng số lượng lớn ống thủy tinh, nghi liên quan đến hoạt động sản xuất chất cấm.

Nhận thấy dấu hiệu bất thường, C04 đã phân công trinh sát thu thập tài liệu, xác minh 2 đối tượng trên. Khoảng một tháng sau, C04 xác lập Chuyên án 199Đ để triệt phá đường dây. Quá trình trinh sát, Bộ Công an xác định Trương Xuân Minh (51 tuổi, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) là đối tượng cầm đầu, được Đoàn Văn Hùng (42 tuổi, ở tỉnh Khánh Hòa) giúp sức. Minh sang Việt Nam từ năm 2021, tạo vỏ bọc đầu tư, kinh doanh, nuôi cá cảnh.

Kết quả khám xét ở xưởng sản xuất ma túy và 2 địa điểm khác, Ban Chuyên án thu giữ 1,4 tấn ketamin với độ tinh khiết rất cao, cùng gần 80 tấn hóa chất, đủ căn cứ tạm giữ hình sự 9 đối tượng, trong đó 4 đối tượng người Trung Quốc, 3 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), 2 đối tượng người Việt Nam. Các đối tượng đã thừa nhận hành vi sản xuất trái phép chất ma túy.

Thủ đoạn các đối tượng trong tổ chức tội phạm này rất tinh vi, xảo quyệt, chúng thuê khu vực hẻo lánh, ít người qua lại, đường vào khó khăn. Có thể đánh giá, đây là công xưởng sản xuất ma túy tổng hợp với quy mô đặc biệt lớn, dây chuyền trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, lớn nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này bị triệt phá.

Quy định về hành vi sản xuất ma tuý và chế tài xử phạt

Vậy, hành vi sản xuất trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý theo chế tài nào? Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, sản xuất chất ma túy là hành vi tạo ra, điều chế, tổng hợp hoặc chế biến các chất ma túy từ nguyên liệu thô hoặc các thành phần hóa học khác.

Cụ thể, đây là quá trình làm ra ma túy, dù bằng phương pháp thủ công hay công nghiệp. Chẳng hạn như nấu heroin từ nhựa thuốc phiện, chế biến ma túy đá từ các hóa chất trong phòng thí nghiệm, ép cần sa thành bánh để tiêu thụ,… đều được xem là sản xuất ma túy. Đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị phạt tù rất nặng, thậm chí là tử hình nếu sản xuất với số lượng lớn.

Khung hình phạt của tội sản xuất trái phép chất ma tuý
Trung tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an (áo trắng) trực tiếp kiểm tra và nghe Ban Chuyên án báo cáo kết quả phá án. Ảnh: Bộ Công an

Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, có thể hiểu hành vi sản xuất trái phép chất ma túy là làm ra chất ma túy (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất ma túy này từ chất ma túy khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đối với các hành vi nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng chất ma túy đã có sẵn như pha chế thuốc phiện thành dung dịch để tiêm chích, nghiền heroin từ bánh thành bột để hít… thì không coi là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy.

“Đối với các đối tượng làm nhiệm vụ giám sát, cảnh giới trong đường dây sản xuất trái phép chất ma túy thì được coi là đồng phạm với đối tượng trực tiếp sản xuất trái phép chất ma túy, tham gia theo phân công nhiệm vụ, vai trò khác nhau. Các đối tượng này đều sẽ phải chịu trách nhiệm về tội “Sản xuất trái phép chất ma túy” theo Điều 248, Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi xét xử, tòa án sẽ căn cứ vào vai trò của từng đối tượng trong vụ án sẽ cá thể hóa hình phạt tương ứng” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết thêm.

Hình phạt đối với tội “Sản xuất trái phép chất ma tuý” được quy định tại Điều 248, Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào sản xuất trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm với một trong các trường hợp sau: có tổ chức; nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1 kilôgam; heroine, cocaine, methamphetamine, amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 5 gam đến dưới 30 gam; các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam; các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít; tái phạm nguy hiểm; có 2 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.

Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm với một trong các trường hợp sau: có tính chất chuyên nghiệp; nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 1kg đến dưới 5kg; heroine, cocaine, methamphetamine, amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam; các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam; các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít; có 2 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.

Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp: có tính chất chuyên nghiệp; nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 5kg trở lên; heroine, cocaine, methamphetamine, amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên; các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên; các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên; có 2 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này.

“Như vậy, khối lượng, thể tích chất ma túy được sản xuất càng nhiều, mức phạt dành cho người phạm tội càng cao. Sản xuất ma túy với số lượng lớn có thể bị phạt lên đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Nhóm đối tượng trong đường dây sản xuất ma tuý khủng vừa bị Bộ Công an triệt phá rất có thể phải đối diện với khung hình phạt nghiêm khắc nhất” - luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định.

Bộ Công an triệt phá công xưởng ma túy “khủng”, thu giữ 1,4 tấn ketamin Bộ Công an triệt phá công xưởng ma túy “khủng”, thu giữ 1,4 tấn ketamin

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, triệt phá đường dây ...

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động