Thứ bảy 20/04/2024 06:07

Không thông báo trước, ngân hàng có quyền siết nợ xe ô tô?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Gần đây dư luận không khỏi thắc mắc khi thấy một số ngân hàng tổ chức thu hồi tài sản của bên nợ bằng cách chặn đường thu hồi ô tô hoặc tổ chức vào tận bãi xe nơi đang có ô tô của bên nợ để đưa xe về. Cách thu hồi tài sản trên có đúng quy định của pháp luật?
Xe ô tô Peugeot 5008 liên quan đến thu hồi tài sản ngân hàng tại  KĐT Time City    										 Ảnh: V.H
Xe ô tô Peugeot 5008 liên quan đến thu hồi tài sản ngân hàng tại KĐT Time City. Ảnh: V.H

Ai có quyền quản lý sản?

Ngày 10-9-2021, anh L.H.L, trú tại KĐT Time City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ra ngân hàng để nộp 17,5 triệu đồng cho ngân hàng VIB. Đây là số tiền trả nợ góp định kỳ hàng tháng cho khoản vay thế chấp mua xe ô tô Peugeot 5008. Từ ngân hàng bước ra, không thấy xe đâu, anh L tá hỏa tưởng bị mất trộm.

Khi anh L định báo công an và gọi ngân hàng báo mất xe thì nhận được tin nhắn của một cán bộ VIB chi nhánh Láng Hạ nhắn rằng xe của anh đã được bộ phận thu hồi nợ của ngân hàng thu giữ và cẩu xe đi rồi.

Cũng giống như anh L, anh L.T.H cũng bị phía ngân hàng thu giữ xe thế chấp. Chiếc xe của anh H là bán tải Ford Ranger, hình thành từ khoản vay 632 triệu đồng của một ngân hàng lớn có chi nhánh tại Hà Nội. Trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, giữa anh và ngân hàng đã xảy ra bất đồng về mua bảo hiểm vật chất xe và kỳ hạn thanh toán.

Một ngày của tháng 6, anh H đến đậu xe tại chân tòa nhà Licogi 13, địa chỉ 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội rồi lên trụ sở ngân hàng làm việc, 30 phút sau đi xuống thì được biết ngân hàng đã cho người cẩu xe đi. Lập tức, anh H đến công an phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân trình báo mất xe kèm theo một số tài sản, giấy tờ quan trọng vẫn nằm trong cabin.

Anh L và H là hai trong số rất nhiều chủ xe, đại diện cho bên nợ tiền bị ngân hàng thu hồi xe. Không ít trường hợp chủ xe đang điều khiển xe thì bị người của phía ngân hàng chặn lại và đưa phương tiện về bãi xe của ngân hàng. Chứng kiến sự việc nhiều người không khỏi thắc mắc, liệu đại diện ngân hàng có đủ thẩm quyền thay tòa án cưỡng chế phương tiện?

Giải đáp thắc mắc trên, đại diện ngân hàng liên quan cho rằng họ hoàn toàn có quyền tiến hành thu hồi các khoản nợ xấu đúng quy định của pháp luật. Bởi khi vay tiền mua xe thì giấy tờ xe phải do bên ngân hàng giữ nên lúc này tài sản là xe đang thuộc quyền quản lý của ngân hàng. Chỉ khi nào bên vay hoàn thành nghĩa vụ trả xong tiền gốc và lãi, lúc đó quyền sở hữu mới thuộc bên chủ xe. Các xe bị thu hồi thường nằm trong danh sách nợ xấu, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ như thỏa thuận giữa các bên.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng Nguyễn Duy Nghĩa, năm 2020, rồi 2021 DN và các cá nhân phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhiều địa phương do thực hiện chỉ thị giãn cách nên không ít DN và người vay tiền mua ô tô của ngân hàng không thể đến ngân hàng trả nợ theo thỏa thuận. Nhưng mấu chốt của vấn đề ở chỗ hoạt động kinh doanh vận tải bị đình trệ khiến bên vay không xoay sở được tiền trả lãi ngân hàng, tiền thuê bến bãi, nhân công...

Cần tính toán kỹ trước khi vay tiền

Phân tích tình huống pháp lý xung quanh việc một số ngân hàng thu hồi tài sản bằng hình thức tổ chức người chặn đường để đưa xe đi nơi khác, mặc chủ xe phản đối, luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hoạt động cho vay và xử lý nợ xấu được áp dụng theo Điều 299 Bộ luật dân sự hiện hành, Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội. Các điều khoản đi kèm như, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật. Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền, không thuộc trường hợp đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 300 Bộ luật dân sự, trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác…

Để làm rõ hơn tình huống này, luật sư Nguyễn Thị Mai, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, một trong 5 điều kiện để thu giữ tài sản đảm bảo (Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42), là phải có thỏa thuận về việc bên cho vay (chủ nợ) được quyền thu giữ tài sản đảm bảo, ghi vào hợp đồng. Như vậy, vẫn phải căn cứ vào việc các bên thỏa thuận trong hợp đồng như thế nào. Nếu đã ký vào hợp đồng có điều khoản này, tức là bên vay đồng ý cho ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ.

Cũng theo luật sư Mai, tại Khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 42, quy định rất rõ về trình tự thu giữ tài sản đảm bảo là động sản (máy bay, tàu thuyền, ô tô…), như sau: Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình và thông báo về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho UBND cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm trước khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm; Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản trước thời điểm thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm bằng cách gửi theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.

Trên thực tế cho thấy, một số ngân hàng cứng nhắc khi tổ chức người chặn đường, thu hồi xe ô tô chỗ đông người gây nhiều ý kiến trái chiều. Mặt khác, không ít chủ phương tiện cố tình thay đổi chỗ ở dẫn đến việc ngân hàng không gửi được thông báo thu hồi tài sản đúng địa chỉ. Vì vậy, trước khi vay tiền, bên vay và ngân hàng cần có thỏa thuận rõ về hình thức giải quyết theo phương thức để phía ngân hàng thu hồi tài sản nợ xấu hay đưa ra tòa phân định.

Hiệp hội taxi Ba miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM) đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị hỗ trợ các DN vận tải vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid-19. Cụ thể, giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 5-4-2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663.000 khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng…

Khắc Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động