Không thể trì hoãn việc đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 3-11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình trước Quốc hội - Ảnh: Khánh Phong |
Ông Nguyễn Văn Thể nêu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ các công trình hiện đại (như hệ thống đường cao tốc) còn thấp so với các nước trong khu vực và được xác định là điểm nghẽn của quá trình phát triển.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với lĩnh vực đường sắt, bên cạnh việc cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư tăng năng lực của tuyến đường sắt hiện có, Chính phủ đang chỉ đạo hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, do tính đặc thù của đường sắt tốc độ cao như kinh phí đầu tư lớn, công nghệ cao, nên cần một khoảng thời gian nhất định để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định đối với dự án quan trọng quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực quản lý, vận hành, đặc biệt là phát triển công nghiệp đường sắt, thu xếp nguồn lực.
Đối với lĩnh vực hàng không, bên cạnh việc nâng cấp một số sân bay hiện có, đưa vào khai thác Nhà ga T2 sân bay Nội Bài, nâng cao năng lực sân bay Tân Sơn Nhất,... hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2025.
Ngoài ra, sau khi đầu tư Cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1 sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu đến năm 2030.
Lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, hệ thống kết cấu hạ tầng đã và đang được đầu tư cơ bản sẽ đáp ứng nhu cầu đến năm 2030.
Riêng lĩnh vực đường bộ, do đặc thù tính linh hoạt cao, đóng vai trò kết nối cho tất cả các phương thức vận tải khác và rất lợi thế đối với vận tải cự ly ngắn và trung bình... nên đường bộ vẫn là hình thức vận tải phổ biến và luôn chiếm thị phần lớn nhất, đặc biệt là vận tải hàng hóa, hành khách với cự ly dưới 300 km.
Đến nay, một số đoạn lưu lượng giao thông lớn đã quá tải, thường xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt trong các dịp cao điểm. Ngoài ra, do Quốc lộ 1 đi qua nhiều khu đông dân cư nên không thể đóng vai trò tuyến vận tải có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn.
Theo thống kê, chiều dài Quốc lộ 1 qua khu vực đông dân cư khoảng 842 km/1.705 km, chiếm khoảng 48,7 %, tốc độ khai thác trung bình chỉ đạt khoảng 40 - 60 km/h; thành phần giao thông hỗn hợp, tỷ lệ xe máy cao (mô tô, xe máy là loại phương tiện chủ yếu trong các vụ tai nạn, chiếm 70 %), đặc biệt các đoạn qua khu vực dân cư, đô thị; các nút giao chủ yếu là cùng mức.
Với đặc điểm như trên, việc đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 mặc dù đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn đến nay đã vượt quá khả năng đáp ứng, cần thiết đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đáp ứng các tiêu chí năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, việc đầu tư ngay một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là không thể trì hoãn.
Do đó, việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc.
Theo Tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020 đầu tư khoảng 654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long). 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) – Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức công gồm Cao Bồ (Nam Định) – Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế) và cầu Mỹ Thuận 2. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại