Thứ hai 25/11/2024 09:07

Không nên vì những người không tuân thủ mà giãn cách toàn xã hội tại Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước diễn biến dịch bệnh tại Hà Nội với sự xuất hiện của 2 ổ dịch tại bệnh viện tuyến trung ương và một số ổ dịch trong cộng đồng do liên quan đến các vùng dịch khác, một số người cho rằng nên giãn cách xã hội để tránh nguy cơ bùng phát. Lý do bởi hiện vẫn còn nhiều người dân chưa tuân thủ nghiêm 5K.

Tuy nhiên, theo PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Quyết định giãn cách được thực hiện khi các địa phương không kiểm soát được yếu tố nguy cơ và dịch lây lan trong cộng đồng lớn. Hà Nội vừa rồi xuất hiện các ổ dịch nhưng đều xác định được nguồn lây. Hà Nội vẫn kiểm soát được tình hình dịch.

TS. Trần Đắc Phu chia sẻ, bản thân ông “không phản đối chuyện giãn cách nhưng phải áp dụng phù hợp” và “khi còn đánh giá được nguy cơ thì chưa phải dùng từ giãn cách để tránh gây hoảng loạn”.

Quyết định giãn cách được thực hiện khi các địa phương không kiểm soát được yếu tố nguy cơ và dịch lây lan trong cộng đồng lớn. Hà Nội vừa rồi xuất hiện các ổ dịch nhưng đều xác định được nguồn lây từ bệnh viện, từ Đà Nẵng về, từ Hà Nam, Vĩnh Phúc…

“Hà Nội vẫn kiểm soát được và đang tiếp tục xét nghiệm rất nhiều trong bệnh viện, quanh bệnh viện, các địa bàn dân cư có nguy cơ, chợ, sân bay”, TS. Trần Đắc Phu khẳng định.

Bên cạnh đó, TS. Trần Đắc Phu nêu rõ, Hà Nội dù chưa ra quyết định giãn cách nhưng Thành phố cũng đã áp dụng những biện pháp phù hợp, điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị 11 do Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành.

Theo đó, Hà Nội dù chưa tuyên bố giãn cách nhưng áp dụng nhiều biện pháp như là đã giãn cách, cấm những yếu tố nguy cơ: kêu gọi người dân không ra đường khi không cần thiết, cấm tụ tập đông người, đóng cửa các quán bar, karaoke, công viên, danh thắng, hàng ăn vỉa hè, cho học sinh nghỉ học… Điều này cũng đúng với chủ trương của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch quốc gia, với đúng tinh thần Thủ tướng chỉ đạo: bình tĩnh, tỉnh táo.

Không nên vì những người không tuân thủ mà giãn cách toàn xã hội tại Hà Nội

TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: Điều Hà Nội cần quan tâm là tăng cường xét nghiệm trên diện rộng và tăng cường kiểm tra xử phạt người không tuân thủ Chỉ thị 11 (ảnh TL)

TS. Trần Đắc Phu phân tích, vừa qua Hà Nội thực hiện phong tỏa linh hoạt phù hợp với nhiều điểm đã được các địa phương triển khai. Ví dụ như khi phát hiện trường hợp dương tính ở Times city, ở tòa nhà Láng Hạ, lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa, điều tra dịch tễ không phát hiện ca dương tính thì gỡ phong tỏa tòa nhà. Thay vào đó tiến hành phong tỏa một tầng nơi có ca dương tính sinh sống.

Việc phong tỏa thực hiện theo nguyên tắc nguy cơ ở đâu, khoanh vùng ở đấy. Tránh phong tỏa trên diện rộng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Không thực hiện giãn cách xã hội nhưng theo TS. Trần Đắc Phu, để đảm bảo phòng dịch trên địa bàn, Hà Nội cần tiến hành tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 11 của TP.

“Không nên vì một những người không tuân thủ đeo khẩu trang, ngồi tụ tập trà đá… mà quyết định giãn cách toàn xã hội làm ảnh hưởng đến nhiều người nghiêm chỉnh chấp hành. Bởi nếu có thực hiện giãn cách nhưng người dân không thực hiện vẫn đi ra ngoài thì cũng thế. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra xử phạt”, TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Cùng đó, nhiệm vụ đặt ra lúc này đối với Hà Nội là phải tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, xét nghiệm các ổ dịch (chợ, xung quanh bệnh viện, khu chuyên gia, khu công nhân…); đồng thời tăng cường kiểm tra đánh giá các yếu tố nguy cơ.

“Khi nào không kiểm soát được yếu tố nguy cơ thì phải giãn cách hoặc thấy lây lan ra cộng đồng nhiều rồi thì phải giãn cách. Điều quan trọng nhất là phải đánh giá được nguy cơ chính xác”, TS. Trần Đắc Phu nêu.

Trước đó PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần chấp nhận hi sinh để giãn cách xã hội tạm thời. Khi số ca bệnh tăng lên mỗi ngày thì cần giãn cách. Giãn cách có rất nhiều tác dụng, lực lượng chức năng đỡ mất sức hơn trong công tác truy vết, giảm nguy cơ mất dấu F0.

TS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, giãn cách sớm ý thức người dân tăng cường lên. Ví dụ như tại Hà Nội người dân ít ra đường hơn nhưng mọi sinh hoạt vẫn còn nhiều. Các quán xá vẫn hoạt động. “Nếu giãn cách xã hội, ý thức của người dân sẽ tăng lên họ sẽ tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân của mình”.

Tính đến sáng 10-5, trên toàn quốc đã có một số địa phương áp dụng biện pháp giãn cách để phòng dịch như: TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; toàn bộ thị xã Mỹ Hào và 5 xã của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; toàn bộ tỉnh Thái Bình; Hà Nội cách ly trên 20 điểm rải rác ở một số địa bàn có ghi nhận ca nhiễm Covid-19 như Hoàng Mai, Thường Tín, Ba Đình, Gia Lâm, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, thị xã Sơn Tây, Thanh Trì, Hoàn Kiếm Thanh Oai…

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động