Không minh bạch chuyện từ thiện là vi phạm quy định trong các bộ luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMới đây, một ca sĩ vốn được mệnh danh là ông hoàng nhạc trẻ lại bị… sướng tên về việc lùm xùm, không minh bạch số tiền mà đông đảo người hâm mộ tin tưởng quyên góp. Thực hư thế nào chưa có cơ quan nào đứng ra xác minh làm rõ, nhưng câu chuyện đó không mới đối với rất nhiều nghệ sĩ đã từng “dính án” này trước đó. Và dù đúng hay sai, câu chuyện này cũng khiến lòng tin của người hâm mộ ít nhiều đổ vỡ. Đó còn chưa nói, nếu thực sự có sự gian sai trong câu chuyện sử dụng tiền ủng hộ từ thiện, những cá nhân này còn đang vi phạm pháp luật.
Trước đó, tại Điều 5 của Nghị định 64/CP/2008/NĐ-CP ngày 14-05-2008 quy định các đối tượng, chủ thể có quyền được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ theo quy định của pháp luật gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định; Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Trong điều này còn quy định ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ. Tuy nhiên trong dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, Bộ Tài chính đã đưa vào một số điểm mới so với quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
Các cá nhân tiếp nhận tiền từ thiện phải công khai trên các phương tiện truyền thông |
Trong đó, dự thảo đã bổ sung quy định chế tài đối với các cá nhân đứng ra quyên góp làm từ thiện. Tại dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm 2 chính sách gồm: về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước và về vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, cá nhân khi vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước, thì phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động...
Đồng thời, khi phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn, phối hợp phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Cũng theo dự thảo nghị định, các khoản đóng góp tự nguyện này phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có) và thực hiện công khai trên các phương tiện truyền thông. Vậy theo dự thảo nghị định, việc cá nhân tiếp nhận từ thiện sẽ có những chế tài cụ thể, tránh những tranh cãi khi các khoản đóng góp gử đến các cá nhân nhưng không được công khai minh bạch.
Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn Luật sư Hà Nội thì kể cả chưa tính đến các chế tài trong dự thảo Nghị định mới đây, thì cá nhân nhận tiền, tài sản quyên góp để làm từ thiện cũng phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Việc chuyển tiền, tài sản cho một cá nhân để đại diện, làm trung chuyển tiền, tài sản đến cho bên nhận có thể coi đó là một giao dịch dân sự. Trong trường hợp này, người nhận chỉ là người đại diện theo ủy quyền của người có tài sản, có trách nhiệm chuyển giao tài sản của bên cho sang cho bên nhận theo thỏa thuận, cam kết trước đó. Nếu người nhận tiền trung gian chưa chuyển tiền trong một thời gian dài và cũng không thông báo trên phương tiện truyền thông cho mọi người biết thì đã không thực hiện đúng ý nguyện của những người làm từ thiện, vi phạm thỏa thuận với họ.
Và lúc này, căn cứ theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, những người đã gửi tiền từ thiện có quyền đòi số tiền này lại và yêu cầu kèm theo lãi suất, hoặc yêu cầu người nhận tiền từ thiện chuyển số tiền họ làm từ thiện kèm theo lãi suất cho cơ quan chức năng để làm từ thiện. “Nếu cá nhân người nhận tiền từ thiện giữ số tiền này vì mục đích tư lợi cá nhân, không chuyển tiền theo cam kết để chiếm đoạt thì thậm chí còn có dấu hiệu hình sự của hành vi lạm dụng tín nhiệm đoạt tài sản. Để làm rõ vấn đề này thì cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, xác minh làm rõ động cơ, mục đích, hành vi để có căn cứ xử lý theo quy định” – luật sư Doãn phân tích.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại