Công khai, minh bạch là một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của kiểm toán
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Giảm số đoàn, bớt chồng chéo
Trong báo cáo, Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết, với phương châm “làm ít nhưng chất”, hạn chế tối đa sự xuất hiện các đoàn kiểm toán trên một địa bàn, tránh chồng chéo, trùng lắp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo Nghị quyết 75/2022/QH15 của Quốc hội, kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn) so với năm 2022.
Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, ngành, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển KTNN, kế hoạch kiểm toán đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn, chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm...
Đến 31/8/2023, sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 61 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.
Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Phó Tổng KTNN cũng cho biết, sơ bộ đến 31/8/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 48.227/71.605 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,3%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19/270 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Báo cáo thẩm tra do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, KTNN đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện công tác năm 2023 và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra so với cùng kỳ năm 2022, số kiến nghị sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số kiến nghị xử lý 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 và 48,7% cùng kỳ năm 2022. Từ đó, đề nghị KTNN đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả khá thấp này và bổ sung đánh giá sâu sắc hơn các tồn tại, hạn chế cũng như giải pháp khắc phục.
Về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024, cơ quan thẩm tra đề nghị cần tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, bảo đảm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài chính công, tài sản công, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn |
Lựa chọn kiểm toán trọng điểm, chuyên đề để công khai
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về nâng cao tính hiệu quả của KTNN tham gia vào các chuyên đề giám sát của Quốc hội; một số lĩnh vực; công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực; thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ đồng tình với việc giảm số lượng và nâng cao chất lượng kiểm toán để giảm phiền hà cho đối tượng kiểm toán. Việc phối hợp với cơ quan của Quốc hội tổ chức các phiên giải trình hiệu quả nên cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa.
Để thực hiện hoạt động của KTNN trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu KTNN tiếp tục phát huy sự phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan trong công tác điều hành; phối hợp với Ủy ban Tài chính- Ngân sách thực hiện phiên giải trình thực hiện các kết luận kiểm toán để đưa ra những kiến nghị. Phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tham gia tích cực vào các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội; đồng thời tăng cường kiểm toán từ xa. Ngoài ra, KTNN có thể báo cáo thêm với Quốc hội về những tồn tại, hạn chế, bất cập; thực hiện hiệu quả các văn bản dưới luật để qua đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị...
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị, ngoài những nội dung dự kiến trong kế hoạch kiểm toán năm 2024 về chuyên đề đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin tại các Bộ đã sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước lớn, đầu tư xây dựng công trình, tài chính, ngân hàng…, KTNN cân nhắc tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm. Cụ thể như giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia; tái cơ cấu và xử lý nợ xấu...
Đây là những vấn đề mà cử tri rất quan tâm nên KTNN có thể nghiên cứu những nội dung đề xuất, cân nhắc để đưa vào nội dung kiểm toán năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Nêu quan điểm tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá KTNN có nhiều đổi mới tích cực. Thời gian tới, KTNN cần tiếp tục bám sát mục tiêu tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, phương châm “thà làm ít mà tốt”, do đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mỗi năm kết quả thanh tra, kiểm toán phát hiện và xử lý nhiều sai phạm cho thấy, công tác này được thực hiện đến nơi đến chốn, song cũng lo vì sao công cụ này hoạt động thường xuyên liên tục như thế mà sai phạm không giảm. Qua quyết toán hàng năm có nhiều vấn đề nói hết năm nọ đến năm kia vẫn cứ tiếp diễn.
Ủng hộ phương châm “làm ít nhưng chất”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan toả, cùng với đó đề cao tính công khai, minh bạc, khách quan, trung thực. Công khai, minh bạch là một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của kiểm toán.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, KTNN phải tổ chức họp báo theo quy định. Riêng kiểm toán năm là phải họp báo công khai. Lựa chọn kiểm toán trọng điểm, chuyên đề để công khai. Một mặt cho thấy sức mạnh của kiểm toán, mặt khác để công luận giám sát cơ quan đã làm đúng chưa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý kiểm toán tư vấn phải sâu sắc hơn, phản biện phải sắc bén hơn, xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản. Năm nay tập trung đánh giá tác động của các văn bản ban hành sai để đề xuất xử lý nghiêm sai phạm vì thực tế ban hành ra rất nhiều “giấy phép con”, văn bản không đúng pháp luật.
Làm rõ hơn về những ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với kiểm toán để tránh chồng chéo bởi “cơ sở cũng than phiền vì tiếp nhiều đoàn”. Cạnh đó, chỉ đạo tăng cường kết nối theo hướng chuyển đổi số, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia giúp kiểm toán thuận lợi hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đề nghị quan tâm lựa chọn đối tượng kiểm toán có ảnh hưởng lớn, nguy cơ sai phạm cao. Chia sẻ với khó khăn của kiểm toán, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, đâu đó vẫn còn quy định chưa phù hợp nên có kiến nghị đúng luật nhưng khó khả thi khi thực hiện. Kiểm toán cũng là ngành nghề rất nhạy cảm nên cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, triển khai kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách thực chất.
Quy trình kiểm toán của kiểm toán Nhà nước |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại