Thứ sáu 03/05/2024 06:36

Không đi lại được vì tự ý tiêm khớp gối

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nay, nhiều người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém. Song, một phần do người bệnh chủ quan, tiêm khớp ở những cơ sở không được cấp phép, bởi những người không được đào tạo bài bản về các nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn, khiến không ít trường hợp chỉ sau vài ngày tiêm đã bị biến chứng nhiễm trùng khớp.
Không đi lại được vì tự ý tiêm khớp gối
Hình ảnh viêm khớp gối nhiễm khuẩn. Ảnh: BVCC

Thời gian qua khoa Tâm Thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp người bệnh vào viện vì đau sưng nóng đỏ khớp gối, vùng đùi, cẳng chân và được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn khớp gối/Viêm tấy lan tỏa vùng đùi và cẳng chân.

Đó là trường hợp người bệnh B.T.H (nữ, 54 tuổi, ở Hà An, Quảng Yên, Quảng Ninh) và người bệnh Đ.T.H (nữ, 56 tuổi, ở Gia Minh, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Các trường hợp này đều phải kết hợp điều trị nội và ngoại khoa rất phức tạp.

Cả 2 trường hợp người bệnh trên đều có tiền sử đau nhức khớp gối nhưng không đi khám chuyên khoa cơ xương khớp mà lại tự đến các cơ sở tiêm khớp không đúng quy định. Sau tiêm xuất hiện sưng nóng đỏ đau vùng khớp gối lan tỏa lên đùi và cẳng chân, hạn chế đi lại do đau. Tuy nhiên, người bệnh lại chủ quan không khám lại ngay tại cơ sở y tế, chỉ đến khi đau nhức nhiều không tự đi lại được mới đến nhập viện điều trị…

Hiện nay, nhiều người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém. Song, một phần do người bệnh chủ quan, tiêm khớp ở những cơ sở không được cấp phép, bởi những người không được đào tạo bài bản về các nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn. Khiến không ít trường hợp chỉ sau vài ngày tiêm đã bị biến chứng nhiễm trùng khớp.

Theo các bác sĩ, thủ thuật tiêm khớp – tiêm gân khá phức tạp và nguy cơ nhiễm trùng khớp cao. Nếu lạm dụng và tiêm không đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như: Nhiễm trùng khớp, hoại tử xương, thủng gân, teo da, teo cơ, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim... Do đó, chỉ định tiêm cần rất thận trọng, cân nhắc giữa lợi và hại, cần được bác sĩ chuyên khoa xương khớp chỉ định và thực hiện tại phòng thủ thuật vô khuẩn tuyệt đối.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân, tiêm khớp - tiêm gân không phải ai đau khớp cũng có thể tiêm. Đây là một chỉ định thủ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa. Thuốc tiêm khớp - tiêm gân ngoài huyết tương giàu tiểu cầu tự thân và một số chế phẩm khác, thường được sử dụng thuốc kháng viêm corticoid, là thuốc kháng viêm mạnh. Chỉ định tiêm khớp - tiêm gân rất nghiêm ngặt, phải thực hiện đúng kỹ thuật, đúng loại thuốc tiêm, đảm bảo vô trùng tuyệt đối.

Biến chứng đáng sợ khi điều trị viêm khớp không đúng cách
Cảnh báo biến chứng viêm loét các khớp do tiêm thuốc giảm đau
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động