Chủ nhật 05/05/2024 15:55

Khó răn đe được tài xế và xe vi phạm do GPS “lỗi thời”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều năm trước khoảng 1 triệu ô tô kinh doanh vận tải đã được yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) để truyền thông tin về hệ thống xử lý, khai thác dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam. Việc triển khai lắp đặt được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý, ngăn chặn tình trạng xe vi phạm, kéo giảm tai nạn giao thông.
Ảnh minh họa: Khánh Huy
Ảnh minh họa: Khánh Huy

Theo phản ánh của lực lượng chức năng và cả các nhà xe, tài xế, hệ thống cảnh báo tốc độ thông qua thiết bị giám sát hành trình vẫn còn đang “ì ạch”, quá trễ trong việc đưa ra cảnh báo ngay khi lái xe vi phạm.

Dữ liệu GPS hiện nay chỉ để tra cứu, nhắc nhở và thống kê. Nếu doanh nghiệp (DN) vi phạm 5 lần/1.000km/tháng thì thu hồi phù hiệu. Trong khi đó, dữ liệu không thể sử dụng để xử phạt vi phạm tốc độ, chạy sai lộ trình, đi vào đường cấm, giờ cấm; không thể lọc các hành vi đón trả khách ngoài bến lặp đi lặp lại (xe dù bến cóc) để chế tài. DN có nhiều trường hợp vi phạm cũng chỉ tước phù hiệu mà không thể xử lý.

Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, tính đến hết tháng 8/2023, cả nước có 949.169 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Dữ liệu giám sát hành trình từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy hàng loạt nhà xe có số lần vi phạm tốc độ khá lớn, lên tới hàng ngàn lần mỗi tháng, trong đó có nhà xe vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần/tháng. Thậm chí có xe vi phạm tốc độ, do không được cảnh báo kịp thời đã gây ra vụ TNGT nghiêm trọng như nhà xe Thành Bưởi.

Cùng với đó, thiết bị chưa đảm bảo thời gian vì phải phụ thuộc vào việc kết quả xử lý thông tin dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam trên phần mềm quản lý (thường trễ khoảng 2 tháng).

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình chưa đủ cơ sở pháp lý để chuyển cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Bởi theo quy định, loại thiết bị ghi nhận dữ liệu làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính phải được công nhận phù hợp quy chuẩn và phải được kiểm định định kỳ. Trong khi đó, thiết bị giám sát hành trình được công nhận hợp quy chuẩn nhưng chưa được kiểm định theo định kỳ.

Quy định xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nếu dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe trong một tháng ghi nhận có 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy nhưng chưa quy định phù hiệu bị thu hồi trong thời hạn bao lâu là bất cập.

Do vậy, cần sửa đổi quy định thu hồi phù hiệu có thời hạn mới được cấp lại nhằm tăng tính răn đe. Thậm chí có nhà xe còn cho biết, khi bị thu hồi phù hiệu cũ, nhà xe tiếp tục đăng ký xin cấp lại phù hiệu mới. Theo quy trình đăng ký, từ 3-5 ngày sẽ có phù hiệu mới. Như vậy, cùng một chiếc xe vi phạm đó chỉ mấy ngày sau lại có phù hiệu mới. Cứ như vậy sẽ không răn đe được nhà xe hay tài xế bằng dữ liệu GPS.

Nhiều lái xe cho rằng, để xử lý tình trạng vi phạm tốc độ, lấn làn, vượt ẩu,… ngoài việc lực lượng Cảnh sát giao thông phạt nghiêm cũng nên lắp đặt thêm camera trên đường ghi lại hình ảnh “phạt nguội” thật đúng, đủ lỗi vi phạm... chắc chắn nhà xe sẽ không dám ẩu, ngông nghênh vi phạm. Mặt khác, cần có biện pháp chế tài phía nhà xe, tránh chuyện ép tài xế chạy quá giờ, quay đầu xe liên tục để đạt chỉ tiêu...

Thu phí cao tốc đầu tư công qua GPS, bỏ hết barrier: Liệu có khả thi?
Ban Mai
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động