Thứ sáu 29/11/2024 05:27
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường:

Khó khả thi và sẽ tạo cơ chế xin cho?!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 tiếp tục gây tranh cãi khi đưa ra lấy ý kiến do ảnh hưởng ở hầu hết các hiệp hội ngành hàng, lĩnh vực sản xuất.
11 Hiệp hội kiến nghị: Cần làm rõ cơ sở pháp lý ở một số nội dung, bởi Nghị định hướng dẫn chi tiết ban hành tới đây không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật Bảo vệ môi trường, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác
11 Hiệp hội kiến nghị: Cần làm rõ cơ sở pháp lý ở một số nội dung, bởi Nghị định hướng dẫn chi tiết ban hành tới đây không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật Bảo vệ môi trường, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác

Cần làm rõ về cơ sở pháp lý

11 Hiệp hội ngành hàng lớn đã đồng loạt kiến nghị đến Chính phủ cùng Bộ trưởng của 10 Bộ sau khi nghiên cứu kỹ phiên bản chỉnh lý sửa đổi dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường 2020 (do Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng). 11 Hiệu hội cho rằng, vẫn còn khá nhiều nội dung lớn không phù hợp với các luật hiện hành và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Nếu tiếp tục giữ lại những nội dung đã đề cập trong dự thảo không chỉ gây khó khăn cho DN, cho phát triển đất nước, mà còn phát sinh thủ tục hành chính.

Đặc biệt, việc “cần làm rõ cơ sở pháp lý” ở một số nội dung như báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp đã nêu là hết sức quan trọng, bởi Nghị định hướng dẫn chi tiết ban hành tới đây không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật Bảo vệ môi trường, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác.

Đơn cử về dự thảo của ngành sản xuất xe máy, tỉ lệ tái chế là 3%, tổng sản lượng của Hiệp hội xe máy Việt Nam là 3 triệu chiếc/năm. Nếu tỉ lệ 3% thì mỗi năm phải tái chế khoảng 90 nghìn chiếc. Cơ sở nào để đưa ra các tỷ lệ này là chưa rõ ràng. Đây là điểm trong dự thảo khiến cộng đồng DN trong ngành này phản ứng nhiều nhất.

Theo phân tích của các DN, hiện, chúng ta chưa có chính sách cũng như chế tài nhằm khuyến khích chủ phương tiện thải bỏ và thực tế cũng chưa có nước nào trên thế giới làm như vậy, đặc biệt là việc tái chế ô tô, xe máy cần phải có nhà máy, công nghệ, chứ không thể trong thời gian ngắn mà có được. Ô tô, xe máy là phương tiện cá nhân, trong trường hợp phải thải bỏ, người chủ sở hữu thường bán cho các cơ sở phế liệu, và nếu thực hiện theo dự thảo nghị định này, DN sản xuất sẽ phải cạnh tranh với các cơ sở phế liệu. Điều này không đúng với mục đích và ngành nghề kinh doanh của DN.

DN có thể tự xử lý, nhưng tái chế là một hoạt động có điều kiện, DN muốn tự làm phải lập thêm một ngành nghề mới. Nếu không tự thực hiện, dự thảo quy định DN đóng góp tiền tái chế qua cơ chế văn phòng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Khoản tiền DN phải nộp gọi là khoản đóng góp, không phải là phí, lệ phí nên không chịu sự điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng, nhiều quy định, phương thức, tiêu chí được đưa ra từ các nước tiên tiến, hiện đại đang được “áp” sang một đất nước đang phát triển gắn liền với nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin cấp Giấy phép môi trường, thì dự thảo yêu cầu các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm đánh giá tác động môi trường và xin cấp Giấy phép môi trường... Ngoài ra, theo VASEP, cộng đồng DN cho rằng, về phí tái chế sản phẩm, bao bì chưa thực sự được minh bạch khi được gọi là “đóng góp” chứ không gọi là phí…

Nguy cơ lớn gây tăng thủ tục hành chính

Trong bản kiến nghị, 11 Hiệp hội khẩn thiết kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm. Cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư - kinh doanh và hoạt động của DN. Bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR (quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và Hội đồng EPR do không có đề cập hay quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Việc này chỉ làm tăng biên chế bất hợp lý và quy chế hoạt động có nhiều điểm trái với các luật hiện có.

Các Hiệp hội cũng cho rằng, cần phải bổ sung khung pháp lý và khung pháp lý phải rõ ràng nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải” do các quy định trong dự thảo sử dụng khoản đóng góp này không đúng mục đích, trái luật.

Điều chỉnh tỉ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỉ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam, không để mức quy định thiếu phù hợp, chưa rõ cơ sở khoa học, thiếu công bằng, phí chồng phí, gây khó khăn cho DN, tăng giá thành sản phẩm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.

Việc tích hợp bảy giấy phép thành một giấy phép nhìn qua tưởng là cải cách, thực ra chỉ là bảy nội dung gộp vào một tờ giấy phép, song lại là nguy cơ lớn gây tăng thủ tục hành chính, khi chỉ một nội dung trong bảy nội dung thay đổi thì DN lại phải đi xin cấp lại giấy phép môi trường, với các thủ tục nhiêu khê.

Các Hiệp hội cũng đồng thời nhấn mạnh dự thảo cần tuân thủ đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ “đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh”, cũng như các nghị quyết của Chính phủ “không làm tăng thêm quy định hành chính và thủ tục hành chính đối với DN”.

Theo Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), dự thảo đưa ra rất nhiều loại giấy phép môi trường và thủ tục xin cấp phép phức tạp, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép con. Chỉ riêng phần chính của dự thảo Nghị định, chưa bao gồm phụ lục, đã có tới 379 từ “giấy phép” với hàng chục loại giấy phép khác nhau. Tất cả các giấy phép tổng thể, giấy phép thành phần, giấy phép nước thải, giấy phép khí thải, giấy phép khai thác, giấy phép tái chế… đều phải đi xin, trong khi trước đây chỉ các DN có chất thải nguy hại mới phải xin giấy phép.

Eurocham nhấn mạnh, các DN rất ủng hộ việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dự thảo đặt nặng vấn đề cấp giấy phép và thu phí, mà chưa đưa ra được các biện pháp cụ thể và hữu hiệu để bảo vệ môi trường.

Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động