Khách hàng bị lừa dối?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNăm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Làn sóng hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy khởi nghiệp trên cơ sở đổi mới sáng tạo đang là xu thế toàn cầu.
Giới doanh nhân được lựa chọn như những chiến binh tiên phong xây dựng đất nước, đưa hình ảnh một Việt Nam cường thịnh tới bạn bè quốc tế. Việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới các DN, thể hiện cam kết Chính phủ sẽ tạo điều kiện phát triển DN từ môi trường tới thủ tục đầu tư, bằng chứng là rất nhiều rào cản, giấy phép con được tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho người dân và các nhà đầu tư.
Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ là luôn đồng hành và phục vụ DN nói chung, cộng đồng Start-up nói riêng.
Điều đó cho thấy Chính phủ đang nói và làm bằng tất cả trách nhiệm của mình. Những chuyến đi của Thủ tướng tới các nước Mỹ, Nhật Bản…đã đem lại sự tin tưởng từ bạn bè quốc tế vào Chính phủ và giới doanh nhân Việt. Kết quả, các doanh nhân Mỹ đã kí kết các hợp đồng kinh tế với doanh nhân Việt trị giá 17 tỷ USD, ở Nhật là 22 tỷ USD.
Ông chủ Khaisilk chứ không phải ai khác chính thức tiễn đưa một thương hiệu |
Hưởng ứng Năm quốc gia khởi nghiệp, con số hơn 100 nghìn DN thành lập mới trong năm 2016 đã chính thức cán đích ngay từ tháng 11-2016.
Thế nên câu chuyện doanh nhân Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận đã lừa rối người tiêu dùng suốt gần 30 năm qua bằng cách nhập khăn lụa Trung Quốc giá thấp về gắn mác thương hiệu Việt Khaisilk rồi bán với giá cao chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào niềm tin của người tiêu dùng Việt, đi ngược lại những mong muốn của Chính phủ.
Khaisilk chỉ là câu chuyện bề nổi, nếu tìm hiểu kỹ chắc các cơ quan chức năng sẽ không khó để phát hiện ra những Khasilk chưa bị lộ khác. 30 năm qua các cơ quan quản lý như thuế, thị trường, hải quan, công an…làm gì khi bị Khaisilk qua mặt?.
Lần này cũng như những lần khác, người phát hiện ra hành vi gian dối của Khaisilk lại là người tiêu dùng. Một lần nữa các cơ quan chức năng lại mãi là người đến sau, rồi chạy theo mạng xã hội, theo báo chí để xử lý vụ việc.
30 năm “chết” bởi một ngày, một ngày “chết” bởi một giờ và một giờ “chết” bởi một phút khi sản phẩm gắn thương hiệu Khaisilk có kèm nhãn Madein China bị người mua phát hiện. Khaisilk “mua danh ba vạn” và đã bán các doanh nghiệp chân chính khác với “giá ba đồng” bởi sự hoài nghi của người tiêu dùng vào thứ gọi là hàng hóa thương hiệu Việt.
Nói như Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thì lỗi lầm của Khaisilk: "Đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và cũng là tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Nhưng quan trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta".
Đừng trách người tiêu dùng Việt ham đồ hiệu mà hãy cảm ơn họ khi trước đó họ đã chọn sản phẩm của một doanh nhân trong nước theo đúng lời kêu gọi: “Người Việt dùng hàng Việt”.
Sự yêu mến của họ đã nâng tầm một thương hiệu Việt ra khỏi phạm vi lãnh thổ. Chỉ đến khi sự việc bại lộ thì người tiêu dùng mới là nạn nhân của sự không trung thực.
Từ câu chuyện Khaisilk cho thấy người tiêu dùng Việt sẵn sàng bỏ tiền giá cao để mua sản phẩm Việt, nhất là khi sản phẩm đó có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Làm thế nào để mặt hàng của mình có chỗ đứng?.
Hy vọng từ bài học của Khaisilk, từ cơn sốt về phong cách đón khách theo kiểu cây xăng Nhật Bản, DN Việt sẽ rút ra được bài học có giá trị.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại