Thứ hai 25/11/2024 05:26

Hy vọng mới cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiếp nối thành công của ca ghép tim vào ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thêm một ca ghép tim từ người hiến chết não, giúp hồi sinh sự sống cho một nữ bệnh nhân 39 tuổi.
Hy vọng mới cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối
Các bác sĩ thực hiện ca ghép tim cho bệnh nhân. Ảnh: BV

Ca ghép tim này nằm trong số 4 ca ghép tạng được bệnh viện triển khai vào cùng ngày 14/5. Cụ thể, bệnh viện đã tổ chức lấy và điều phối ghép 4 mô tạng gồm tim, gan và 2 quả thận nhằm cứu sống 4 bệnh nhân. Đây là trường hợp thứ 2 trong năm 2024 mà bệnh viện hỗ trợ, tư vấn hiến đa mô tạng, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân đang phải đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo.

Đáng chú ý, trong đợt ghép tạng lần này, bệnh viện lần đầu tiên ghép tim cho một bệnh nhân đã được cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái (LVAD - Left Ventricular Assist Device), được hiểu là tim nhân tạo bán phần.

Trước đó, ngày 13/5, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức hội chẩn đa ngành để lên kế hoạch ghép một cách kỹ lưỡng, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị và thuốc men cho các ca ghép.

Trong số các ca ghép lần này, ghép tim cho bệnh nhân đã cấy LVAD được đánh giá là phức tạp nhất. Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc bệnh viện cho biết đây là "bài toán" khó, đòi hỏi sự nỗ lực lớn để mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được ghép tim lần này là một phụ nữ 39 tuổi, quê Thanh Hóa, bị suy tim giai đoạn cuối do bệnh cơ tim giãn. Cách đây 5 năm, bệnh nhân đã được cấy dụng cụ LVAD model Heartware để chờ cơ hội ghép tim.

Đại tá TS.BS Ngô Vi Hải - Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, phẫu thuật viên chính của ca ghép tim cho hay, trước ghép, chức năng tâm thu thất trái của bệnh nhân chỉ còn 15%. Bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào máy LVAD để sống.

Những khó khăn của ca ghép lần này là do bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật cấy LVAD trước đó nên tim dính nhiều. Thực tế, bệnh nhân này ca mổ trước đó không đóng màng ngoài tim, tim dính vào ngay mặt sau xương ức, khi mở ngực nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ thủng, rách buồng tim gây chảy máu ồ ạt. Bên cạnh đó, việc đồng bộ giữa LVAD và máy tuần hoàn ngoài cơ thể cũng gây không ít khó khăn vì lần đầu thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, các bác sĩ đã chuẩn bị kỹ lưỡng và giải quyết thành công các vấn đề phát sinh.

Đến 16h55 ngày 14/5, tim người hiến đã bắt đầu đập trong lồng ngực người nhận. Các mô tạng khác cũng được ghép thành công.

Nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng nhưng nguồn hiến tạng quá ít khiến danh sách bệnh nhân chờ ghép ngày càng dài. TS.BS Đặng Việt Đức - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện 108 cho biết suy tim giai đoạn cuối là hậu quả của các bệnh lý tim mạch, 50% người bệnh tử vong sau 5 năm nếu không ghép tim.

Tuy nhiên, tim ghép luôn là bài toán khó do nguồn tim hiếm. Vì vậy, trên thế giới phương pháp được áp dụng thường quy là cấy dụng cụ LVAD để chờ ghép tim. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai LVAD thế hệ 3 - phương pháp duy nhất hiện nay được FDA Mỹ công nhận thay thế tạm thời tim ghép.

Sau gần 1 tuần, sức khỏe các bệnh nhân phục hồi tốt. Bệnh nhân ghép tim đã tự thở, các bệnh nhân khác chức năng tạng đang cải thiện và sẽ tiếp tục được theo dõi và điều trị.

Cô gái Hà Nội hiến tặng tạng giúp “hồi sinh” những cuộc đời mới
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động