Chủ nhật 25/08/2024 20:05
Bạn đọc viết

“Hóng drama” trên mạng xã hội – thói quen tai hại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hội chứng sợ bỏ lỡ đã khiến nhiều người dành phần lớn thời gian để “hóng drama” trên mạng xã hội. Điều này đã khiến quỹ thời gian của họ bị xáo trộn, ảnh hưởng tới cuộc sống riêng. Luôn biết trước các thông tin dường như là sự khẳng định bản thân của họ. Tuy nhiên, một số tin tiêu cực thu hút sự chú ý của cộng đồng lại ẩn chứa cạm bẫy khó lường.

Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam có hàng trăm hội, nhóm liên tục chia sẻ thông tin độc quyền, gây sốc của người nổi tiếng nhằm tạo ra sự tranh luận. Chính việc nhiều người vào bình luận, chia sẻ đã “hút” tương tác cho hội nhóm đó. Nhiều người thích thú khi vào các hội nhóm này vì họ cho rằng, các thông tin ở đó không xuất hiện trên kênh truyền thông chính thống.

Có thời gian, chính bản thân tôi và bạn bè cũng thường thức muộn để “hóng drama”. Chỉ cần “vuột” mất tin tức, lập tức hôm sau, mình đã trở thành “người tối cổ”. Thói quen “hóng drama” dễ gây nghiện và ngốn khá nhiều thời gian. Nhiều hôm, chỉ vì theo dõi một vụ tranh luận về đánh ghen trên mạng mà tôi thức đến 2h sáng. Hôm sau, tôi dậy muộn và làm việc trong tình trạng uể oải, mệt mỏi. Sau này, khi nhận ra thói quen gây hại, tôi phải mất một thời gian khá dài để “cai hóng drama”.

Thật ra, việc “hóng drama” trên mạng xã hội là việc làm không sai trái nhưng đôi khi, thói quen này dẫn đến những hệ lụy khó lường. Thời gian gần đây, sự kiện một tiktoker bị bạo hành nghiêm trọng đang hút lượng tương tác lớn. Rất nhiều người tò mò muốn biết diễn biến sự việc. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi vụ việc nổi lên, trên mạng xuất hiện một trang fanpage có tên và ảnh đại diện giống hệt nhân vật chính. Trang này thông báo phải hoãn phiên live để lo ổn định chuyện gia đình. Cuối bài thông báo là một đường link sản phẩm đính kèm, được cho là có giá tốt để tỏ lòng cảm ơn đến mọi người đã theo dõi, khích lệ động viên. Khá nhiều người đặt sản phẩm theo đường link này và đều nhận ra, đó là một cạm bẫy.

Tôi cho rằng, mỗi người cần thận trọng khi “hóng drama” trên mạng xã hội. Chúng ta cần tỉnh táo kiểm chứng thông tin trước khi lan truyền tin tức tiêu cực. Đừng vì say mê quyền lực ảo, mong hút tương tác, tỏ ra mình là người “thạo tin” mà nghiện hóng “drama”. Đây là thói quen tai hại gây ảnh hưởng đến cuộc sống thật của bản thân và cộng đồng.

“Hóng hớt”, “thêu dệt” đời tư nghệ sĩ: Chẳng lẽ bó tay?
Tường Vy (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động