Thứ bảy 05/10/2024 16:16

Hơn nửa thế kỷ định cư “nhầm” ở tỉnh khác

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
268 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu người Nghệ An gần 60 năm qua đang sinh sống và định cư trên địa phận đất của tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù vị trí đất được xác định thuộc địa giới hành chính của tỉnh Thanh Hóa nhưng quản lý về mặt con người lại do tỉnh Nghệ An.
Chiếc cống là vị trí phân chia danh giới của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá (ảnh Huy Hoàng)
Chiếc cống là vị trí phân chia ranh giới của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Ảnh: Huy Hoàng

Cả xóm không có sổ đỏ do định cư "nhầm"

Dọc tuyến Quốc lộ 1A, tại khu vực khe Nước Lạnh - nơi giáp ranh giữa địa giới của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tồn tại một xóm người Nghệ An với gần 1.000 nhân khẩu đang sinh sống trên địa phận đất do tỉnh Thanh Hóa quản lý. Các chính sách về nhà đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ vay vốn ngân hàng… cũng vì thế mà loay hoay không có hướng giải quyết.

Theo tìm hiểu, từ những năm 1964, khoảng 20 hộ dân được chính quyền xã Quỳnh Dị (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vận động đi khai hoang “mở đất” ở vùng đất giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa để giãn dân. Sau nhiều năm sinh sống, dân số ngày càng đông, các thế hệ ở từ đời này sang đời khác cho đến hiện nay đã có gần 300 hộ sinh sống tại đây. Qua quá trình rà soát, kiểm tra, các cơ quan chức năng xác định vị trí đất mà các hộ dân đang sinh sống ở đây thuộc địa giới hành chính của tỉnh Thanh Hóa quản lý.

Thực tế hiện nay, ở thôn 10 của xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) có tới 925 nhân khẩu "ở nhờ" trên đất của xã Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Ghi nhận tại đây cho thấy, nhà cửa được xây dựng kiên cố, nằm san sát nhau. Đa số nhà dân ở đây đều nằm trên địa giới hành chính của xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Kể cả khu nhà văn hóa thôn 10 của xã Quỳnh Lộc cũng không ngoại lệ.

Mặc dù sở hữu hàng nghìn mét vuông đất nhưng cũng không thể vay vốn được từ ngân hàng do không có sổ đỏ (ảnh Huy Hoàng)
Anh Long chia sẻ bất cập từ việc không được cấp sổ đỏ khiến anh không thể tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Ảnh: Huy Hoàng

Anh Hoàng Văn Long (SN 1982), một người dân sinh ra và lớn lên tại đây cho biết: "Nếu tính cả đất ở, đất vườn, ao, anh sở hữu hơn 1.000m2 đất. Ngặt nỗi là không có sổ đỏ. Thời điểm giá đất lên cao, ở thôn bên cạnh người ta bán được 300 triệu trên một mét chạy dài, nhưng giá trị đất nhà tôi chỉ được định giá bằng 1/3 vì không có sổ. Ở đây, nếu có giao dịch về đất đai thì cũng chỉ người trong xóm mua bán với nhau thôi. Nhiều lúc cần vốn để kinh doanh, buôn bán nhưng không có sổ đỏ để vay ngân hàng được".

"Không riêng gì nhà tôi mà ở khu này nhà nào cũng thế. Mang tiếng đất ở rộng hàng nghìn mét vuông nhưng không có sổ đỏ bởi vì đây là đất thuộc tỉnh Thanh Hóa, không phải đất thuộc Nghệ An. Đất ông bà, cha mẹ để lại như thế nào thì chúng tôi dùng như thế, cũng chẳng ai nói gì. Ở thì trên đất Thanh Hóa nhưng thuế và các khoản đóng góp thì chúng tôi nộp về xã Quỳnh Lộc, tỉnh Nghệ An. Các thủ tục hành chính thì vẫn được UBND xã hỗ trợ nhưng một số công trình xã hội, đường xá thì không được quan tâm như nơi khác vì liên quan đến vị trí đất không phải do tỉnh Nghệ An quản lý” - anh Long chia sẻ.

Tương tự trường hợp anh Long, chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (21 tuổi, ở thôn 10, xã Quỳnh Lộc) cho hay, chị là người gốc Đà Nẵng còn chồng là người ở đây. Trước kia 2 vợ chồng đi làm ăn xa nhưng do kinh tế khó khăn nên về quê chồng sinh sống. Thấy đất nhà rộng, 2 vợ chồng bàn nhau mở quán cafe vừa có việc làm vừa tiện chăm con. Tuy nhiên, khi cần thêm vốn để kinh doanh thì 2 vợ chồng không biết xoay sở ở đâu do đất nhà không có sổ đỏ, muốn vay ngân hàng cũng không được. Hiện nay quán cũng chỉ hoạt động cầm chừng chứ không có nguồn để đầu tư thêm.

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng thôn 10, xã Quỳnh Lộc. Mở đầu câu chuyện, ông Trường cho biết: Đây là vấn đề lịch sử để lại, bắt nguồn từ việc di dân theo chính sách của đầu những năm 1960. Theo thống kê, hiện nay thôn có 440 hộ với khoảng 1.400 nhân khẩu. Trong số này có tới 268 hộ với 925 nhân khẩu đang sinh sống trên địa giới của thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm. Tổng số diện tích đất thuộc địa giới tỉnh Thanh Hóa mà người dân thôn 10 đang sử dụng, canh tác khoảng 30ha.

Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng thôn 10, xã Quỳnh Lộc trao đổi với PLXH (ảnh Huy Hoàng)
Ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng thôn 10, xã Quỳnh Lộc trao đổi với PL&XH. Ảnh: Huy Hoàng

"Người dân đi khai hoang, sinh sống trên đất của tỉnh Thanh Hóa từ những năm 1964. Trải qua bao nhiêu năm, ông bà để lại tài sản, đất đai cho con cái. Đất thì của Thanh Hóa nhưng con người lại là Nghệ An. Đây là vấn đề lịch sử để lại, còn chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét cấp sổ đỏ cho người dân. Mặc dù 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã nhiều lần bàn bạc về vấn đề này nhưng chưa đưa ra được giải pháp. Người dân ở đây không chịu sáp nhập về Thanh Hóa vì còn nguồn gốc, tổ tiên. Còn nếu cắt đất của Thanh Hóa cho Nghệ An thì không ai đồng ý do liên quan đến điều chỉnh địa giới hành chính" - ông Trường cho hay.

Khó cho cả người dân lẫn chính quyền quản lý

Hiện tại, gần 1.000 người trong thôn thôn 10, xã Quỳnh Lộc, đang trong tình cảnh dở khóc dở cười. Bởi nhiều bất cập trong cuộc sống, ngay cả chết đi cũng vẫn là phận “ở nhờ” vì nghĩa trang của thôn cũng nằm trên đất của tỉnh Thanh Hóa.

Nhà văn hoá thôn 10 được xây dựng trên đất Thanh Hoá cách đây hàng chục năm (ảnh Huy Hoàng)
Nhà văn hóa thôn 10 được xây dựng trên đất của tỉnh Thanh Hóa cách đây hàng chục năm. Ảnh: Huy Hoàng

Không chỉ người dân phải sống "treo" mà cả chính quyền địa phương cũng rất khó khăn, lúng túng trong trong công tác quản lý hành chính. UBND xã Trường Lâm đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên sớm giải quyết dứt điểm về ranh giới hành chính để quản lý vì còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như an ninh trật tự, cấp phép, quản lý xây dựng, các chế độ chính sách…

Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa cho rằng: "Đây là vấn đề nhức nhối chưa có giải pháp. Chúng tôi mong muốn cơ quan cấp trên xem xét một là điều chỉnh lại địa giới hành chính, hai là bàn giao nhân khẩu về Thanh Hóa, đảm bảo quyền lợi công dân. Cái khó ở đây là mặc dù đất đai được xác định do xã Trường Lâm quản lý nhưng nếu có xảy ra vi phạm thì chúng tôi cũng không thể xử phạt vì về mặt con người chúng tôi lại không quản lý” - ông Cao Văn Sự phân trần.

Những ngôi nhà khang trang tại thôn 10 của xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) được xây trên đất Thanh Hoá nên rất khó khăn trong việc cấp sổ đỏ (ảnh Huy Hoàng)
Những ngôi nhà khang trang được người dân thôn 10, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, xây dựng trên đất thuộc địa giới hành chính tỉnh Thanh Hoá quản lý. Ảnh: Huy Hoàng

Còn ông Nguyễn Hữu Túy - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc giải thích, do đất thời xưa ranh giới không rõ ràng nên huyện Quỳnh Lưu đưa dân ra khai hoang nhầm sang đất Thanh Hóa. Vì một số lý do về pháp lý và nguyện vọng của người dân nên đến nay vẫn chưa cấp được sổ đỏ, dẫn đến người dân gặp nhiều khó khăn như không có sổ đỏ thế chấp để vay vốn ngân hàng; các gia đình chính sách, khó khăn không được hưởng chế độ hỗ trợ về nhà ở; gặp khó khăn trong xây dựng nhà mới...

"Tới đây, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) và thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ làm việc, cùng lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Trên cơ sở đó sẽ đưa các giải pháp. Nếu người dân sáp nhập về Thanh Hóa thì thị xã Nghi Sơn sẽ cấp sổ đỏ cho họ. Còn nếu không đồng tình thì tìm giải pháp khác, vì nếu thay đổi địa giới hành chính phải trình lên Trung ương" - ông Nguyễn Hữu Tú nói.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hoá, Nghệ An chính thức thông xe từ 1/9
Đẩy mạnh triển khai tín dụng chính sách xã hội
Mở rộng, đổi mới phương thức thực hiện chính sách xã hội
Huy Hoàng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động