Thứ năm 02/05/2024 16:41

Hơn 50 năm khắc khoải đi tìm bản thân vì mắc căn bệnh "chẳng giống ai"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi đến tuổi dậy thì, Q. cũng có sự phổng phao về ngoại hình với khuôn mặt hơi hướng nữ tính. Cô cũng đã có những rung động đầu đời với người khác giới. Tuy nhiên, mỗi lúc nhìn vào bên trong cơ thể cô không khỏi day dứt với câu hỏi "mình là ai" bởi các bộ phận đặc trưng không khẳng định rõ là nam hay nữ.
Hơn 50 năm khắc khoải đi tìm bản thân vì mắc căn bệnh "chẳng giống ai"
Các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật giúp người bệnh thoả mãn được sống với giới tính mong muốn (ảnh BVCC)

Để che đậy những khác thường đó, cô nuôi tóc dài, mặc váy và tạo nên vẻ ngoài vô cùng nữ tính. Tuy nhiên, bên trong con người cô luôn giằng xé với lời tự vấn về giới tính thật, bởi: Bộ phận sinh dục của cô có hình âm vật to 4cm nhưng 2 bên bẹn lại có tinh hoàn; không có âm đạo, không có hình hài cơ quan sinh dục nữ.

Khắc khoải, đau đáu với lời tự vấn về giới tính khiến cô đã chối bỏ và chạy trốn những tình cảm tha thiết của các chàng trai. Cứ như vậy, thời gian thấm thoắt trôi đi, khi đã 54 tuổi cô vẫn không nguôi mong muốn tìm được con người thật của mình. Và tình cờ cô đọc được thông tin các bác sỹ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt-BV E đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục cho cả nam và nữ trong thời gian qua nên đã rón rén tìm đến...

ThS-BS. Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt-BV E chia sẻ, khi đến khoa, người phụ nữ này khá rụt rè chia sẻ các bất thường mình gặp phải về giới tính. Lúc đó, 2 bên bẹn bệnh nhân đã có các biểu hiện sưng đau. Sau khi thăm khám và tư vấn, người bệnh có hai mong muốn là được điều trị vùng bị đau, giải quyết nguy cơ ung thư và phẫu thuật để trở thành phụ nữ.

Nhận định đây là ca phẫu thuật tạo hình có nhiều phức tạp nên BS. Nguyễn Đình Minh quyết định tiến hành hội chẩn với các bác sĩ giỏi chuyên môn của khoa Sức khỏe tâm thần, Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học, Ngoại tổng hợp... Các bác sỹ thống nhất nhận định: Người bệnh mắc hội chứng lưỡng giới giả nam. Xét nghiệm nhiễm sắc thể của bệnh nhân là XY, xác định giới tính di truyền là nam. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy không có tử cung, có tinh hoàn nằm ở hai bên bẹn.

Các bác sĩ của khoa Sức khỏe tâm thần-BV E thăm khám và đánh giá tâm lý xác định rõ bệnh nhân có xu hướng nữ tính. Nhóm điều trị quyết định phẫu thuật đưa giới tính đúng với khai sinh và mong muốn của bệnh nhân. "Cơ thể của người bệnh là nữ nhưng có sự khiếm khuyết của bộ phận sinh sản và sinh dục nên việc tạo hình trả lại đúng giới tính là việc cần làm".

BS. Nguyễn Đình Minh cho biết thêm, mặc dù trong cơ thể người bệnh mang mẫu thuẫn về giới tính nhưng hằng ngày, người bệnh được sống, giáo dục là phụ nữ, có giọng nói, tâm tính dịu dàng, ngoại hình giới nữ. Do đó, phẫu thuật tạo hình giới nữ sẽ hợp với tâm tính, phong cách, cuộc sống của người bệnh suốt 54 năm qua. Bên cạnh đó, hai khối tinh hoàn ẩn không sử dụng đúng chức năng, có thể gây bệnh ung thư cần loại bỏ.

Ca phẫu thuật được tiến hành làm với các ê kíp phẫu thuật từ các chuyên khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học, Ngoại tổng hợp... Bệnh nhân được tiến hành cắt bỏ tinh hoàn trong ổ bụng bằng phương pháp mổ nội soi ít xâm lấn. Đồng thời, người bệnh được tạo hình khoang âm đạo và tạo hình ống âm đạo. Sau đó, bác sỹ lấy niêm mạc từ âm vật của bộ phận sinh dục ngoài và một phần niêm mạc phía trong miệng để tạo hình trên một khuôn nong.

Tất cả các kỹ thuật trên đều vô cùng phức tạp, mặc dù việc cắt bỏ tinh hoàn không phải kỹ thuật khó nhưng với ca mổ này cần lưu ý đánh giá tinh hoàn trong ổ bụng như vị trí, kích thước, tổn thương đại thể, ống dẫn tinh, dây chằng cố định, bó mạch tinh... Do mổ nội soi nên trường phẫu thuật hẹp, xác định vị trí tinh hoàn khó, nên phẫu thuật viên cần khéo léo phẫu tích cắt bỏ và đưa tinh hoàn ra khỏi ổ bụng, làm giải phẫu bệnh. TS-BS. Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo PGS-TS. Đỗ Trường Sơn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp khâu tiến hành tạo hình khoang âm đạo là khâu thách thức với các bác sĩ do người bệnh không có âm hộ, không có tiền đình của âm đạo và không có di tích của ống âm đạo. Quá trình phẫu thuật rất tỉ mỉ để tạo một khoang âm đạo có đủ chiều sâu, rộng khoảng từ 8-10 cm, đảm bảo chức năng âm đạo và tránh làm tổn thương các thành phần xung quanh, kiểm soát vùng tiểu khung trực tràng, bàng quang, niệu đạo. Ngoài ra, cần lưu ý khu vực phẫu tích chứa nhiều mạch máu, tránh gây chảy máu cho người bệnh.

Cuối cùng là việc tạo khuôn nong, niêm mạc được lấy từ âm vật của bộ phận sinh dục ngoài và một phần niêm mạc phía trong miệng phải được xử lí làm mỏng, phủ kín lên khuôn nong và cố định lại vào khoang âm đạo vừa được tạo hình để đảm bảo “sự sống” ở nơi nhận để không bị hoại tử. Lớp niêm mạc đó đảm bảo yếu tố sinh lý, rất gần cấu tạo của niêm mạc âm đạo, nhờ đó, thành âm đạo sau tạo hình mềm mại, đặc biệt tạo tính đàn hồi khi quan hệ tình dục, ThS-BS Lương Thanh Tú, Phó khoa tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt chia sẻ.

Sau ca mổ thành công với sức khoẻ tốt, vạt da tạo hình sống tốt, vết mổ liền và khô người bệnh không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc bởi bà đã được giải thoát khỏi những khối hình thù "không giống ai" và được sống với giới tính mong muốn.

BS. Nguyễn Đình Minh cho rằng, đối với trường hợp của người bệnh này, cơ thể của người bệnh chỉ sai lệch bộ phận sinh dục chứ ngoại hình cũng như tâm tính hoàn toàn là phụ nữ. Do vậy, sau khi xuất viện, người bệnh sẽ phải điều trị bằng hormone để các thuộc tính nữ trội lên. Trong 3 tháng tới, người bệnh nhân tiếp tục được nong âm đạo để đảm bảo bộ phận này hoạt động bình thường. Người bệnh có thể tìm kiếm hạnh phúc, lấy chồng nhưng không thể có con.

ThS-BS. Nguyễn Đình Minh cho biết: Lưỡng giới giả nam hay còn gọi là hội chứng không nhạy cảm với androgen, là một bệnh di truyền. Người mắc chứng này có bất thường về cơ thể, không nhạy cảm hormone nội tiết tố nam androgen, do đó ngoại hình phát triển theo hướng nữ giới.

Đây là một bệnh phổ biến nằm trong những bệnh lý rối loạn phát triển sinh dục liên quan nhiễm sắc thể XY với tỉ lệ hiện mắc ước tính là 2-5/100.000. Tình trạng các tế bào không đáp ứng hay đáp ứng một phần với androgen dẫn đến sự phát triển sai lệch các đặc điểm sinh dục, làm suy yếu hoặc ngăn chặn sự nam hóa của cơ quan sinh dục nam ở thai nhi đang phát triển, cũng như sự phát triển của các đặc điểm sinh dục nam thứ phát ở tuổi dậy thì nhưng không làm giảm đáng kể sự phát triển của cơ quan sinh dục nữ. Các kiểu hình lâm sàng ở những người này thay đổi từ kiểu hình giới tính nam điển hình, các kiểu hình giới tính mơ hồ đến kiểu hình giới tính nữ điển hình.

Do vậy, các gia đình, khi nhận thấy những dấu hiệu không bình thường tại bộ phận sinh dục ở trẻ, cần đưa đến các bệnh viện có chuyên khoa nhi, ngoại tiết niệu hoặc các chuyên gia về lĩnh vực này để được khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Bệnh nhân lưỡng giới giả nam và hành trình trở thành người như ý
Có nên chủ động nói về giới tính cho con trẻ?
Thời trang xoá tan định kiến giới tính
Dân số gia tăng trong đợt giãn cách phòng dịch, lãnh đạo Chi cục dân số Hà Nội nói gì?
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động