Thứ sáu 22/11/2024 22:22

Hôm nay, cựu lãnh đạo VEC cùng đồng phạm hầu tòa vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hôm nay, 25/9, 22 bị cáo liên quan đến sai phạm tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (giai đoạn 2) được đưa ra xét xử.
Hôm nay, cựu lãnh đạo VEC cùng đồng phạm hầu tòa vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
2 cựu lãnh đạo VEC Mai Tuấn Anh (trái) và Trần Văn Tám - Ảnh: Bộ Công an

TAND Thành phố Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm đối với 22 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74km) Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Hội đồng xét xử gồm ba người: một thẩm phán, hai hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã làm chủ tọa phiên tòa. Một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Tổng số có gần 40 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 22 bị cáo tại phiên tòa.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố 22 bị cáo về các tội: “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử có Mai Tuấn Anh (cựu Chủ tịch Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC); Trần Văn Tám (cựu Tổng Giám đốc VEC); Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào (cựu Phó Tổng Giám đốc VEC); Hoàng Việt Hưng và Nguyễn Tiến Thành (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi)...

Tại giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng bị kết án 7 năm tù, Lê Quang Hào bị kết án 6 năm tù về cùng tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ở giai đoạn 1, cơ quan truy tố xác định, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ TP Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án khởi công ngày 19/5/2013, đến đầu tháng 8/2017 hoàn thành thông xe, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 với chiều dài 65km, từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Mặc dù mới đưa vào khai thác, song đoạn đường 65km này xảy ra rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành, an toàn khi tham gia giao thông.

Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn 1 của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.

Quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, không đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công. Đây cũng là số tiền thiệt hại.

Hôm nay, cựu lãnh đạo VEC cùng đồng phạm hầu tòa vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm giai đoạn 1. Ảnh: Bảo An

Ở giai đoạn 2 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 74km. Quá trình xây dựng, 22 bị cáo trong vụ án cùng nhiều người khác không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế trộn, thi công… Khi nghiệm thu, các bị cáo không đo đạc đầy đủ và có những hạng mục được nghiệm thu dù vắng mặt đại diện Ban quản lý dự án.

Viện kiểm sát cáo buộc, hành vi của các bị cáo khiến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa vào vận hành và sau đó hư hỏng. Việc này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 với chiều dài 74km.

Ngoài việc đưa ra xét xử đối với 22 bị cáo trong vụ án, cơ quan điều tra xác định có 27 đối tượng người nước ngoài đã có hành vi phạm tội liên quan các gói thầu thuộc giai đoạn 2 dự án. Do đó, cơ quan chức năng đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp đến cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia nêu trên nhưng đến nay chưa có kết quả. Vì thế, 27 người nước ngoài được tách hồ sơ, xử lý sau.

Trong vụ án này, Bộ GTVT được xác định là người quyết định đầu tư và quản lý công trình. Đơn vị này từng 81 lần kiểm tra hiện trường nhưng không phát hiện vi phạm. Cơ quan điều tra cho rằng không có căn cứ xử lý hình sự với các cá nhân liên quan ở Bộ GTVT nên chỉ đề nghị xử lý theo quy định của Đảng và chính quyền.

Vụ sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Xét kháng cáo của 19 bị cáo Vụ sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Xét kháng cáo của 19 bị cáo
Gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng Gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động