Thứ sáu 22/11/2024 08:53

Hội chẩn trực tuyến phát hiện ca mắc bệnh phong khó chẩn đoán

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh nhân nam, 50 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội đi khám, điều trị nhiều nơi với chẩn đoán Lupus ban đỏ và bệnh thuyên giảm theo từng đợt và không khỏi. Đến khi ông đi khám tại BV Da liễu TƯ mới được chẩn đoán mắc bệnh phong, từ đó được điều trị đúng hướng và tình trạng bệnh được cải thiện rõ nét.
Buổi hội chẩn trực tuyến cho 2 ca bệnh phong do BV Da liễu Trung ương tổ chức đầu năm 2022
Buổi hội chẩn trực tuyến cho 2 ca bệnh phong do BV Da liễu Trung ương tổ chức đầu năm 2022

Điều trị nhầm bệnh trong gần 3 năm

Ông V.T.H, 50 tuổi ở Hà Nội xuất hiện các dấu hiệu tổn thương trên da với dấu hiệu rụng tóc, có ban đỏ hình cánh bướm ở mặt, có ban đỏ, có sốt, có nodule... Ông đi khám tại một BV lớn ở Hà Nội thì được chẩn đoán Lupus ban đỏ.

Suốt trong vòng 2-3 năm, ông H, được điều trị theo phác đồ của Lupus ban đỏ và bệnh cũng thuyên giảm theo từng đợt. Tuy nhiên, sau đó ông H vẫn xuất hiện triệu chứng trở lại nên tiếp tục đi khám tại BV Da liễu Trung ương.

Tại đây, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh phong thể nhiều khuẩn. Sau khi được chẩn đoán xác định, bệnh nhân được các Bs đưa ra phác đồ điều trị, cung cấp thuốc miễn phí và chuyển bệnh nhân về điều trị đúng tuyến quản lý là Bệnh viện da liễu Hà Nội. Tuy nhiên trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện cơn phản ứng và điều trị dai dẳng, không dứt điểm dù đã được điều trị khỏi bệnh phong. Bệnh viện da liễu Hà Nội đã đề nghị Bệnh viện Da liễu Trung ương hội chẩn và cho ý kiến về phác đồ điều trị cơn phản ứng.

BS. Lê Thị Mai, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến-BV Da liễu Trung ương cho biết: Thời điểm bệnh nhân được hội chẩn là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên chúng tôi đã xin ý kiến của lãnh đạo bệnh viện và hội chẩn online. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ điều trị cơn phản ứng mới nhất theo Tổ chức y tế thế giới và các triệu chứng của cơn phản ứng phong cũng giảm dần, các triệu chứng do tác dụng phụ của thuốc cũng giảm hẳn.

Đây là một trong số rất nhiều trường hợp được "hưởng lợi" từ việc hội chẩn từ xa. Theo BS. Mai, thời gian qua BV Da liễu Trung ương đã thực hiện chẩn đoán, hội chẩn từ xa với tất cả các đơn vị Da liễu trên toàn quốc khi có ca bệnh khó. Công việc này được thực hiện thường xuyên, tỉnh nào có nhu cầu sẽ gửi hồ sơ bệnh án trước xin hội chẩn từ xa. Đặc biệt là với bệnh nhân phong, khi hội chẩn, BV Da liễu Trung ương đều có các giáo sư, bác sỹ có kinh nghiệm để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất.

Nâng cao năng lực điều trị cho tuyến dưới

Đặc biệt đối với bệnh nhân phong, gần đây BV Da liễu Trung ương đã hội chẩn trực tuyến cho nhiều ca bệnh nhân phong đặc biệt.

Trường hợp bệnh nhân đầu tiên là nam, 55 tuổi, địa chỉ ở Thanh Hóa được chẩn đoán phong và cơn phản ứng phong tại BV Da liễu Trung ương cách đây trên 1 năm. Bệnh nhân được quản lý và điều trị tại địa phương theo phác đồ nhiều vi khuẩn và Corticoid toàn thân để ức chế cơn phản ứng phong.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân vẫn thỉnh thoảng xuất hiện nhiều nodule, một loại thương tổn của phản ứng phong. Kết thúc 12 tháng trị liệu, bệnh nhân hết trực khuẩn phong nhưng các triệu chứng của cơn phản ứng phong xuất hiện nặng nề và đây là 1 trong những nguyên nhân gây tàn tật cho bệnh nhân. Đây là một trong những thách thức trong điều trị bệnh nhân phong hiện nay.

Bệnh nhân số 2, nữ 49 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thương tổn ban đầu là các ban đỏ ở mặt. Bệnh nhân đã đi khám tại 1 bệnh viện lớn ở Hà Nội, được chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống và điều trị bằng Corticoid toàn thân. Thương tổn giảm nhưng hay tái phát. Bệnh nhân được điều trị dai dẳng nhiều đợt trong thời gian dài.

Bệnh nhân đến khám tại BV Da liễu Trung ương, các bác sỹ nghi ngờ cơn phản ứng phong loại 2, chỉ định xét nghiệm tìm trực khuẩn phong và được chẩn đoán phong thể nhiều khuẩn. Bệnh nhân đã được điều trị bằng phác đồ đa hóa trị liệu, điều trị cơn phản ứng phong bằng thuốc lamprene và corticoid toàn thân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, khi giảm liều Corticoid, bệnh nhân xuất hiện trở lại các thương tổn trở lại cộng với tình trạng tăng sắc tố da do tác dụng không mong muốn của Lamprene, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý bệnh nhân.

Thông qua hội chẩn, người bệnh đã có được phác đồ điều trị phù hợp và điều quan trọng là buổi hội chẩn đã truyền đạt kinh nghiệm quý báu trong quản lý và điều trị bệnh nhân phong cho các bác sỹ tham gia.

"Hội chẩn qua zoom rất tốt, anh em tuyến tỉnh học được nhiều, vừa giúp điều trị bệnh nhân tốt vừa giúp đào tạo cho anh em thêm nhiều kỹ năng, kiến thức. Hội chẩn từ xa mang lại hiệu quả vì nhiều tỉnh gọi điện đến loay hoay với chẩn đoán và phác đồ điều trị. Đến khi hội chẩn có hình ảnh, có báo cáo về các triệu chứng cũng như xét nghiệm của bệnh nhân, BV Da liễu Trung ương đã hỗ trợ được tuyến dưới điều trị hiệu quả cho bệnh nhân", BS. Mai chia sẻ.

Trước khi tiến hành hội chẩn, "chúng tôi yêu cầu các đơn vị xin hội chẩn cung cấp hình ảnh tổn thương và hồ sơ của bệnh nhân. Trong buổi hội chẩn, các bác sỹ xem sẽ xem xét và thống nhất đưa ra ý kiến thống nhất về chẩn đoán và phác đồ điều trị cho bệnh nhân BS. Mai tiết lộ.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 được cứu sống nhờ hội chẩn trực tuyến
Tăng hơn 50% số bệnh nhân Covid-19 nặng, Bộ Y tế kích hoạt trở lại tổ hội chẩn trực tuyến
Người dân vùng núi, vùng sâu được chẩn đoán bệnh ngay tại chỗ
Cụ ông ngừng tim hơn 40 phút thoát chết thần kỳ nhờ hệ thống "báo động đỏ" liên viện
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động