Hòa giải viên được Nhân dân quý mến
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Khắc Bình (bên phải): “Người làm công tác hòa giải phải xây dựng được tình cảm tốt với Nhân dân trên địa bàn”. Ảnh: Minh Phong |
Ông Nguyễn Khắc Bình năm nay 74 tuổi, có dáng người khỏe mạnh và giọng ôn hòa, ấm áp. Qua những chia sẻ của ông có thể cảm nhận được tình cảm thân ái mà sâu sắc ông dành cho tổ dân phố số 2 Mễ Trì Thượng nói riêng và phường Mễ Trì nói chung, đặc biệt là tình yêu và niềm đam mê đối với công tác hòa giải ở cơ sở mà ông đã đảm nhận hơn hơn 5 năm nay.
Chia sẻ với phóng viên Ấn phẩm Pháp luật & Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị), ông Nguyễn Khắc Bình cho biết, thời gian qua, tổ dân phố số 2 Mễ Trì Thượng được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác hòa giải cơ sở ở của phường Mễ Trì. Do làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nên địa bàn tổ dân phố những năm qua không phát sinh những vụ việc mâu thuẫn phức tạp. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có vài vụ việc nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, liên quan đến đất đai, môi trường, hôn nhân...
Nhờ sự nhiệt tâm, khéo léo của ông Nguyễn Khắc Bình và các thành viên trong tổ hòa giải, cùng những buổi phân xử thấu tình đạt lý của tổ hòa giải đã giúp phố phường yên vui, bà con xích lại gần nhau hơn, nhiều gia đình thêm hạnh phúc.
Ông Nguyễn Khắc Bình cho hay, tổ hòa giải tổ dân phố số 2 Mễ Trì Thượng có 5 thành viên. Các thành viên tổ hòa giải là những người được Nhân dân tin tưởng. Với kỹ năng tốt, gương mẫu, công tâm nên trong các buổi hòa giải các thành viên tổ hòa giải có những cuộc nói chuyện rất thuyết phục, phân tích thiệt hơn để bà con đừng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất “tình làng nghĩa xóm”.
Theo ông Nguyễn Khắc Bình, đối với từng vụ việc, tổ hòa giải cơ cấu đúng thành phần nên hòa giải rất hiệu quả. Chẳng hạn như hòa giải hôn nhân thì tổ hòa giải sẽ mời thêm cán bộ Hội phụ nữ tiếp, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia tộc thì có đoàn thể Mặt trận Tổ quốc đứng ra chèo lái, ẩu đả giữa thanh thiếu niên thì có đoàn thanh niên vận động hàn gắn, những vụ phức tạp hơn thì nhờ công an giải quyết...
Với hơn 5 năm làm công tác hòa giải, ông Nguyễn Khắc Bình đã trực tiếp hòa giải thành nhiều vụ việc. Ông Bình nêu kinh nghiệm: “Không nên để mâu thuẫn bùng nổ thành tranh chấp mà phải biết cách dùng lý lẽ và tình cảm để khuyên can. Người hòa giải phải có cái tâm, thấy vụ việc phát sinh là bắt tay vào làm ngay, không ngại thiên hạ gièm pha “ăn cơm nhà, xía chuyện người ta””.
Theo ông Nguyễn Khắc Bình, nguyên tắc hàng đầu của người làm công tác hòa giải là phải công tâm, không áp đặt, để các bên tự thỏa thuận và người làm công tác hòa giải phải xây dựng được tình cảm tốt với Nhân dân trên địa bàn.
Tổ hòa giải chỉ giải thích đúng sai, chỉ ra hướng mở, để sau mâu thuẫn, hàng xóm vẫn còn qua lại với nhau. Các thành viên trong tổ quan niệm: “Cái tình là trên hết” nên bằng mọi cách luôn cố gắng giúp bà con giữ hòa khí.
Ông Bình chia sẻ thêm, khi có vụ việc phát sinh ông cùng các hòa giải viên chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng Nhân dân nghe họ nhận định để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết, đặc biệt ông luôn vận dụng những phong tục tập quán, những quy ước của tổ dân phố, sau đó tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải.
Ngày ngày ông thường hay tới thăm hỏi các gia đình trong khu, phải đi lại, hỏi han, trò chuyện nhiều với mọi người mới biết được những chuyện to, chuyện nhỏ trong tổ dân phố. Có khi nhờ câu chuyện của nhà người này, ông lại giúp đỡ được nhà người khác. Nhiều gia đình có việc ngại không nói với tổ hòa giải nhưng nghe người khác nói, ông vẫn đến tìm hiểu, khuyên nhủ, động viên, thuyết phục.
Khi người dân nộp đơn, tổ thẩm định đơn, họp tổ, phân công thành viên nắm tình hình, xác minh sự vụ, lên lịch giải quyết. Những vụ việc về tranh chấp hợp đồng dân sự thường có tỷ lệ thành công cao, riêng mảng hôn nhân gia đình thì phức tạp, tốn nhiều công sức nhưng lại khó hòa giải nhất.
“Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức, nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con lối phố” – ông Bình tâm niệm.
Ông Đỗ Đức Thông - Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho biết, Tổ dân phố số 2 Mễ Trì Thượng là một trong những tổ có hòa giải đạt hiệu quả cao của phường, những vụ việc phát sinh đều được dàn xếp êm đẹp. Thành viên tổ hòa giải là những ông/bà có năng lực, uy tín, kiến thức, được bà con tin tưởng.
Ông Nguyễn Khắc Bình từng công tác trong lực lượng vũ trang. Với tình cảm và nhiệt huyết dành cho địa phương nên khi về nghỉ chế độ, ông đã nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại phường, trong đó có công tác hòa giải tại cơ sở.
“Ông Nguyễn Khắc Bình là hòa giải viên được người dân quý mến, nể trọng. Tham gia công tác hòa giải hơn 5 năm qua, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, ông đã gắn kết “tình làng nghĩa xóm” thêm bền chặt. Nhờ ông Bình mà lãnh đạo phường đã kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng. Ông Bình xứng đáng là một điển hình trong công tác hòa giải ở địa phương” - ông Đỗ Đức Thông nhấn mạnh.
“Ngoài vai trò là một hòa giải viên, ông Nguyễn Khắc Bình còn được nhiều người biết đến là một người khéo dân vận. Bằng uy tín của mình, những năm qua, đã vận động, thuyết phục các hộ dân thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường… góp phần giữ cho bộ mặt đô thị tại tổ dân phố số 2 nói riêng và phường Mễ Trì nói chung luôn khang trang - sạch đẹp” - Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì Đỗ Đức Thông nhấn mạnh.
Chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên | |
Mất tình hàng xóm vì xả rác không đúng nơi quy định | |
Trong năm 2024, Hà Nội sẽ tuyển chọn, bổ nhiệm 37 hòa giải viên lao động |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại