Thứ sáu 22/11/2024 20:53

Hình thức, trình tự, thủ tục và điều kiện cho Thừa phát lại hoạt động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian qua, hoạt động Thừa phát lại (TPL) đã giúp giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm cơ sở pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự…
Người dân đến đề nghị lập vi bằng tại VP TPL
Người dân đến đề nghị lập vi bằng tại VP TPL

TPL hoạt động thông qua hình thức VP TPL

Về hình thức hoạt động, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định TPL hoạt động thông qua hình thức VP TPL. VP TPL là tổ chức hành nghề của TPL. Trưởng VP phải là TPL, là người đại diện theo pháp luật của VP. VP TPL do một TPL thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình DN tư nhân. VP TPL từ hai TPL trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình Cty hợp danh.

Việc thành lập VP TPL phải đảm bảo các điều kiện: Trụ sở VP TPL có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động. Tổ chức bộ máy VP TPL đảm bảo gồm: Trưởng VP phải là TPL, là người đại diện theo pháp luật của VP TPL. TPL có thể là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập VP TPL hoặc TPL có thể làm việc theo hợp đồng tại VP TPL.

Thư ký nghiệp vụ TPL là nhân viên VP TPL giúp TPL thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý, nhân viên kế toán và nhân viên hành chính khác (nếu có). VP TPL có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Con dấu VP TPL không có hình Quốc huy và do Bộ Công an quy định. Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành, chế độ tài chính của VP TPL thực hiện theo quy định của Nghị định này, trong trường hợp Nghị định này không quy định thì áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp.

VP TPL được thành lập theo thủ tục là phải có hồ sơ đề nghị thành lập VP TPL nộp tại Sở Tư pháp để trình UBND cấp tỉnh, TP, trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị thành lập VP TPL; Đề án thành lập VP TPL, trong đó nêu rõ về sự cần thiết thành lập; dự kiến về tổ chức, tên gọi; bộ máy giúp việc, trong đó nêu rõ số lượng, chức danh, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị của họ; địa điểm đặt trụ sở; các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện. Kèm theo đề án phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập VP TPL. Bản sao quyết định bổ nhiệm TPL.

Sở Tư pháp thẩm định trình UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định cho phép thành lập VP TPL. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập VP TPL, Sở Tư pháp phải thẩm định trình UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định cho phép thành lập VP TPL. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Sau khi thành lập VP TPL phải đăng ký hoạt động thì mới đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc hoạt động.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, VP TPL phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Việc đăng ký hoạt động VP TPL phải có đủ các điều kiện: Phải mở tài khoản và đăng ký mã số thuế; Phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi TPL hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Việc ký quỹ được thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh; Các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập hoạt động của VP TPL theo quy định. Khi đăng ký hoạt động phải có đơn đăng ký hoạt động và giấy tờ chứng minh điều kiện đăng ký hoạt động VP TPL.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của VP TPL. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động, VP TPL phải đăng báo Trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung: Tên gọi, địa chỉ trụ sở của VP TPL; Họ, tên, số quyết định bổ nhiệm TPL hành nghề trong VP TPL; Số, ngày, tháng, năm cấp giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động và ngày bắt đầu hoạt động.

Trong trường hợp được cấp lại giấy đăng ký hoạt động do thay đổi trụ sở, tên gọi, VP TPL phải đăng báo những nội dung giấy đăng ký hoạt động được cấp lại theo quy định như đăng ký lần đầu. VP TPL được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động. Người thành lập VP TPL không được chuyển nhượng, cho thuê lại VP TPL trong quá trình hoạt động.

Xử lý vi phạm đối với VP TPL

Về vấn đề xử lý vi phạm đối với VP TPL thì Nghị định quy định: Tùy tính chất và mức độ vi phạm, VP TPL có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức: Tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 3 tháng đến 12 tháng; Đình chỉ hoạt động và thu hồi quyết định cho phép thành lập VP TPL. Việc vi phạm của VP TPL có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền xử lý các vi phạm này là GĐ Sở Tư pháp hoặc Chủ tịch UBND nơi có trụ sở VP TPL hoạt động và các chức danh khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài các nội dung như trên, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, phạm vi thực hiện công việc TPL. Cụ thể: Tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và của tòa án bao gồm các nội dung: Thẩm quyền, phạm vi tống đạt; Giao, nhận văn bản tống đạt; Thủ tục tống đạt và thỏa thuận về việc tống đạt. Lập vi bằng bao gồm các nội dung:Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng; Thủ tục lập vi bằng; Hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng;

Giá trị pháp lý của vi bằng do TPL lập và Thỏa thuận về việc lập vi bằng. Xác minh thi hành án bao gồm các nội dung: Thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án; Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án; Sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án và Thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án. Trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự bao gồm các nội dung: Thẩm quyền, phạm vi thi hành án của TPL; Quyền yêu cầu thi hành án; Thủ tục chung về thi hành án của TPL; Quyết định thi hành án; Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án; Áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp huy động lực lượng bảo vệ; Chi phí cưỡng chế thi hành án; Thanh toán tiền thi hành án; Chấm dứt việc thi hành án và Thỏa thuận về thi hành án.

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động TPL, các Nghị định cũng quy định: Đương sự và những người liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của TPL trong việc trực tiếp thi hành án dân sự và tống đạt, nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của mình. Đối với việc lập vi bằng, nếu có tranh chấp thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát hoạt động của TPL được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan.

Hoạt động lập vi bằng giúp người dân bảo vệ mình trong các quan hệ dân sự
Vi bằng và những vấn đề cần lưu ý
Lập vi bằng cử người đại diện trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Lập vi bằng ghi nhận việc giao thông báo theo yêu cầu
Thái Yên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động