Hình phạt nào dành cho kẻ đâm vợ tử vong ngay tại tòa án?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Dư Văn Thanh |
Theo thông tin từ CA tỉnh Bắc Giang, khoảng 10g30 ngày 30-10, đối tượng Dư Văn Thanh, SN 1983, có địa chỉ thôn Chính, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã đến CA huyện Lục Ngạn đầu thú về hành vi giết người, xảy ra tại phòng làm việc tầng 2 trụ sở TAND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Tại CQCA, đối tượng Thanh đã khai nhận hành vi dùng dao bấm có đầu nhọn đâm nhiều nhát vào chị L.T.H, sau đó tiếp tục đâm ông L.V.L vào cổ phải và thẩm phán P.V.T, gây thương tích cho những người này.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do mâu thuẫn trong khi hoà giải vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông L.V.L (bố vợ Thanh) với bị đơn là đối tượng Dư Văn Thanh và vợ là chị L.T.H. Hiện tại, CA huyện Lục Ngạn đã bàn giao tang vật, tài liệu, đối tượng cho CQCSĐT CA tỉnh Bắc Giang để điều tra theo thẩm quyền.
Liên quan đến vụ án trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của đối tượng Thanh là rất côn đồ và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sự việc diễn ra ngay tại trụ sở TAND huyện Lục Ngạn chứng tỏ mâu thuẫn rất căng thẳng, kéo dài, đối tượng cảm thấy không có lối thoát nên mới chuẩn bị hung k
hí để mang đến tòa án, khi sự việc không diễn ra như ý muốn nên hắn đã sử dụng hung khí để gây án. Thậm chí, đối tượng Thanh còn ra tay đối với cả thẩm phán đang tổ chức hòa giải vụ việc tranh chấp này cho thấy tính chất côn đồ cao độ và thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.
“Những vụ án tranh chấp dân sự thường căng thẳng, xung đột có thể xảy ra. Tuy nhiên xung đột, ẩu đả xảy ra ngay tại trụ sở tòa án, thậm chí xảy ra án mạng, gây thương tích cho cả thẩm phán đang giải quyết vụ án là chuyện hiếm gặp ở chốn công đường”, luật sư Nguyên nói.
Theo luật sư Nguyên, với việc dùng hung khí nguy hiểm, đâm nhiều nhát vào vợ mình khiến nạn nhân tử vong, đối tượng còn đâm dao vào cổ bố vợ và đâm trọng thương thẩm phán là hành vi nguy hiểm cho xã hội, chuẩn bị sẵn hung khí, cố ý thực hiện hành vi có khả năng tước đoạt tính mạng của nhiều người.
Bởi vậy hành vi của đối tượng được xác định là sử dụng hung khí nguy hiểm để gây án, có tính chất côn đồ và bị áp dụng thêm tình tiết là giết nhiều người.
Với diễn biến sự việc như vậy, đối tượng Thanh có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 123, BLHS năm 2015, với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, hành vi của đối tượng Thanh cho thấy tính ích kỷ, lòng tham và ý thức coi thường pháp luật.
Việc giải quyết sự việc bằng bạo lực, sử dụng hung khí nguy hiểm không những không giải quyết được vấn đề mà làm cho sự việc càng trở nên phức tạp, bế tắc và đó chính là tội ác không thể tha thứ.
Trong vụ việc này, luật sư Nguyên cũng cho biết, khi đối tượng gây án vẫn bỏ trốn khỏi hiện trường sau đó mới tới CQĐT đầu thú. Điều này cho thấy hành vi của đối tượng là rất táo tợn và lực lượng bảo vệ của tòa án đã không hoàn thành nhiệm vụ.
Bởi vậy, luật sư cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm của lực lượng bảo vệ tòa án, trách nhiệm của cán bộ tham gia buổi hòa giải này liệu đã thực hiện hết nhiệm vụ, trách nhiệm của mình hay chưa để hậu quả nghiêm trọng xảy ra như vậy?
“Để án mạng xảy ra ngay tại trụ sở tòa án cho thấy hoạt động tố tụng chưa đã bảo an toàn cho đương sự và cho cán bộ tòa án. Vấn đề này tòa án sẽ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nếu có lỗi của cán bộ tòa án đối với sự việc thì cũng cần xem xét xử lý kỷ luật theo quy định. Đồng thời cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát những người tham gia tố tụng, phổ biến nhắc nhở nội quy buổi hòa giải, nội quy làm việc tại tòa án. Cần tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tòa án để xử lý những tình huống có vấn đề như vậy để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra”, luật sư Nguyên nhận định.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại