Thứ ba 19/03/2024 09:59

Hình phạt cho kẻ giả danh công an chiếm đoạt tiền của phòng khám

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thông tin mà kẻ giả danh công an chiếm đoạt tiền của phòng khám đưa ra là gian dối, có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phải đối diện với hình phạt nghiêm khắc.
Chân dung đối tượng Hứa Nghiệp Thắng, kẻ gia danh công an chiếm đoạt tiền của phòng khám
Đối tượng Hứa Nghiệp Thắng.

Giả công an lừa 500 triệu đồng lo “chạy án”

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, sau một thời gian điều tra, truy xét, Phòng CSHS Công an tỉnh đã bắt giữ đối tượng Hứa Nghiệp Thắng, SN 1974, trú tại TP HCM để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thắng là nghi phạm giả danh công an để lừa chạy án giúp một phòng khám ở TP Biên Hòa, chiếm đoạt 500 triệu đồng.

Kết quả điều tra xác định, sáng 30/5, Thắng đọc tin tức trên mạng xã hội và biết được Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các đơn vị liên quan khám xét nhiều phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn TP Biên Hòa, trong đó có phòng khám T.Đ ở phường Tân Hiệp để điều tra về hành vi làm giả các loại giấy tờ khám sức khỏe, chứng nhận bệnh bán cho công nhân có nhu cầu nghỉ bệnh được quyết toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đồng thời, nghi phạm Thắng nắm được thông tin Công an TP Biên Hòa kiểm tra, khám xét, thu giữ nhiều tài liệu, máy móc liên quan đến công tác khám bệnh của những cơ sở này.

Sau khi nắm bắt thông tin trên, Thắng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phòng khám T.Đ bằng việc lên mạng tra cứu thông tin về phòng khám, biết được ông B.V.X là người đại diện theo pháp luật của phòng khám.

Tối cùng ngày, Thắng gọi vào số điện thoại phòng khám gặp ông X, tự giới thiệu mình tên Sơn, cán bộ Công an TP Biên Hòa, đã tham gia đoàn kiểm tra, làm việc tại phòng khám T.Đ. Sau đó, Thắng yêu cầu ông X giao số tiền 500 triệu đồng để bảo lãnh 5 nhân viên và lấy lại máy móc thiết bị, nếu không giao tiền, thì sau khi ông X điều trị bệnh xong sẽ tạm giữ.

Ông X tưởng thật nên hứa sẽ chi 300 triệu đồng để nhờ Thắng lo việc. Tuy nhiên, Thắng đề nghị phải đưa đủ 500 triệu đồng sẽ thả 2 người ra. Thời điểm này, ông X đang nằm viện điều trị nên đồng ý và được Thắng yêu cầu mua một sim điện thoại rác, một điện thoại Nokia đời cũ để tiện liên lạc và cử người giao tiền cho mình

Khoảng 7h ngày 31/5, Thắng chạy xe máy từ TP HCM xuống TP Biên Hòa lấy tiền. Khi đến nơi, nghi phạm gọi cho phía ông X thì được anh M (con trai ông X) nghe máy. Lúc này, Thắng yêu cầu anh M bỏ 500 triệu đồng vào một bao nilon đen để ở bụi cây phía trước trụ sở Công an TP Biên Hòa rồi rời đi.

Khi về đến nhà anh M nghi ngờ bị lừa đảo liền gọi ngay cho Thắng thì nhận được thông báo thuê bao không liên lạc được, quay lại vị trí để tiền cũng không còn nữa… nên trình báo công an.

Nhận tin báo, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Phòng CSHS Công an tỉnh vào cuộc điều tra, truy xét và nhanh chóng bắt giữ Thắng.

Tại CQCA, Thắng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và cho biết, sau khi lấy bịch tiền từ con trai ông X đã bỏ vào cốp xe, rồi tẩu thoát đến ngã ba Vũng Tàu tháo sim điện thoại rồi bẻ gãy vứt đi. Sau đó, Thắng về nhà ở TP HCM lấy số tiền trên trả nợ vay mượn nóng do thua cá độ bóng đá.

Liên quan đến vụ án, CQ CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ một số vật chứng có liên quan.

Nghi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của đối tượng là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan tố tụng nên CQĐT kịp thời phát hiện xử lý là cần thiết.

Hành vi đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, có thủ đoạn gian dối, ngoài ra còn có dấu hiệu đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để chiếm đoạt. Bởi vậy, CQĐT sẽ làm rõ hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội “Cưỡng đoạt tài sản” hay tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để xem xét xử lý triệt để.

Luật sư Thái phân tích, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Cưỡng đoạt tài sản” đều là các tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, phương thức thủ đoạn và hành vi khác nhau nên được quy định ở các tội danh khác nhau.

Dấu hiệu điển hình của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, còn dấu hiệu điển hình của tội “Cưỡng đoạt tài sản” là hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ việc này, hành vi ban đầu của đối tượng được xác định là tống tiền chủ phòng khám. Tuy nhiên, thông tin mà đối tượng này đưa ra lại là thông tin gian dối, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nên hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vì thế, nếu kết quả xác minh cho thấy người này đã đưa ra thông tin gian dối (giả mạo cán bộ điều tra) để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 500 triệu đồng, đối tượng có thể phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân theo quy định tại khoản 4 Điều 174, BLHS năm 2015.

Còn trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng này đang nắm giữ những thông tin, tài liệu hoặc những đồ vật có tính chất bất lợi cho bác sĩ phòng khám để đe dọa uy hiếp tinh thần của họ nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170, BLHS.

"Với thông tin ban đầu như trên, rất có thể đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, Điều 174 BLHS" - luật sư Thái nêu quan điểm.

Khung hình phạt dành cho kẻ chém công an và 2 bảo vệ dân phố
Hình phạt nào cho nhóm cầm đầu đường dây đánh bạc “khủng”?
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động