Thứ bảy 21/12/2024 18:54

Hậu quả khôn lường của việc sử dụng điện thoại trong khi lái xe

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hàng ngày, trên đường phố, tôi thường xuyên chứng kiến rất nhiều người vừa lái xe vừa vô tư gọi điện thoại, thậm chí nhắn tin, lướt mạng xã hội... Hành vi này vừa gây nguy hiểm cho bản thân, vừa gây nguy hiểm cho người đi đường.
Hậu quả khôn lường của việc sử dụng điện thoại trong khi lái xe
Hậu quả khôn lường của việc sử dụng điện thoại trong khi lái xe

Việc sử dụng điện thoại khi lái xe sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung, kiểm soát tốc độ bị hạn chế. Khi gặp tình huống bất ngờ, người lái sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời dễ gây tai nạn. Ngoài ra, người tham gia giao thông khi sử dụng điện thoại trên đường tạo cơ hội cho những đối tượng cướp giật.

Gia đình tôi sinh sống ở gần một trường học khá lớn. Đã rất nhiều lần, tôi chứng kiến các vụ va chạm giao thông xảy ra trước cổng trường học. Nguyên nhân thường do người đi xe máy trên đường mải nghe điện thoại, đọc tin nhắn mà thiếu quan sát, xô vào các cháu học sinh. Có lần, khi tôi sang đường, một lái xe công nghệ mải đọc tin nhắn, vượt đèn đỏ, cứ thế lao vào dòng người đi bộ sang đường. Khi mọi người hét to lên để báo hiệu, cậu ta giật mình phanh gấp và tự ngã ra đường.

Tôi tìm hiểu thì được biết, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã quy định các mức xử phạt về hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Theo đó, đối với người lái xe ô tô, phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng đối với người điều khiển xe dùng tay sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển xe chạy trên đường; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng; người điều khiển mô tô, xe gắn máy phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng khi đang điều khiển xe mà sử dụng ô (dù), ĐTDĐ, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

Tuy nhiên, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ hành vi sử dụng điện thoại trong khi lái xe và nâng mức xử phạt lên cao hơn. Đặc biệt, cần có hình thức tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Đã đến lúc, chúng ta cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn sử dụng điện thoại trong khi lái xe.

Tường Vy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động