Hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa của cộng đồng dân tộc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh được cắt từ livestream với những phát ngôn về Hà Giang của Hoàng Hường. |
“Vạ miệng” từ phát ngôn trong buổi livestream
Chiều 22/3, đại diện CA tỉnh Hà Giang cho biết, đã gửi giấy mời mời bà Hoàng Hường (tên thật là Hoàng Thị Hường, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lên làm việc. Bà Hoàng Hường bị mời lên làm việc do liên quan tới phát ngôn gây "sốc" khi gọi người kinh doanh dịch vụ ở Dốc Thẩm Mã là "những người ăn xin" và gọi món ăn mèn mén là "cám lợn".
Trước đó, CA tỉnh Hà Giang đã nhận được đơn phản ánh của Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang và đang tiến hành điều tra, xác minh để xử lý. Theo đơn phản ánh, bà Hường đã gọi những người dân, đứa trẻ bán hàng và làm dịch vụ cho du khách thuê hoa chụp ảnh tại dốc Thẩm Mã là "những người ăn xin". Bên cạnh đó, cơ quan CA cũng đã tiếp nhận thông tin để xác minh về việc Hoàng Hường gọi mèn mén là cám lợn, là món ăn "giải nghiệp".
Cụ thể, vào tháng 2/2023, bà Thào Thị Mua (trú tại xóm Chúng Pả A, xã Phó Cáo, huyện Đồng Văn, Hà Giang) đã làm đơn phản ánh về việc doanh nhân Hoàng Hường lên mạng xã hội livestream nói mèn mén là cám lợn, là món ăn giải nghiệp.
Theo phản ánh của bà Mua, trong phiên livestream ngày 6/2/2023 trên Tiktok, bà Hường đã có những lời nói xúc phạm lớn đến nhân phẩm và danh dự những người dân bán hàng và làm dịch vụ hoa cho du khách thuê chụp ảnh tại dốc Thẩm Mã (Hà Giang), gọi họ là "những kẻ ăn xin". Do đó, bà Mua làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi này của doanh nhân Hoàng Thị Hường.
Xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa
Hoàng Thị Hường là nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều tai tiếng. Bà được biết đến là TGĐ Cty CP dược phẩm Hoàng Hường, đồng thời là chủ của phòng khám nha khoa quốc tế Hoàng Hường Confident Smile tại Hà Nội. Và đây không phải là lần đầu tiên Hoàng Hường có đơn phản ánh vì phát ngôn trong buổi livestream. Mà trước đó, Hoàng Hường cũng từng vướng nhiều tranh cãi khi có những phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội.
Năm 2020, bà Hường từng đăng tải thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình mưa bão tại quảng Bình, khi cho rằng huyện Lệ Thủy không đáng thương như truyền thông "thêu dệt" và thất vọng khi đến đó từ thiện.
Sau đó, sở thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Bình gửi công văn tới Sở thông tin và truyền thông TP Hà Nội đề nghị, kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật đối với chủ tài khoản Facebook "Nha Khoa Thẩm Mỹ Hoàng Hường" của bà Hoàng Thị Hường.
Một lần khác, nữ đại gia này còn lên tiếng chửi bới, miệt thị vùng miền, cụ thể là Thanh Hóa khi chửi người đã... ăn cắp data khách hàng của Hoàng Hường. Loạt từ ngữ khá gay gắt, thậm chí mang yếu tố miệt thị vùng miền được nữ đại gia này quay video đăng lên MXH khiến nhiều người bình luận trái chiều.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, mèn mén hay bột ngô, là một món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tại các vùng như Hà Giang, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai).
Người Mông ở đây nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác; bên cạnh lúa thì ngô cũng là nguồn lương thực chính của họ bao đời nay. Mèn mén được xem là món không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của họ bởi sự thơm ngon, bùi ngậy, nhất là trong những ngày đi nương, đi rừng, ăn mèn mén giúp chắc dạ, no lâu.
Như vậy, đây là một món ăn truyền thống, việc bà Hường có những phát ngôn thiếu chuẩn mực có thể coi đây là hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo, xúc phạm văn hóa của cộng đồng dân tộc. Và với những phát ngôn đó, Hoàng Hường còn vi phạm vào một trong những hành vi bị cấm trên không gian mạng theo quy định tại Điều 8, Luật An ninh mạng.
Theo đó, những hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc hoặc những hành đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… đều không được tùy ý phát ngôn.
Căn cứ vào những quy định trên, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận thông tin, xác minh làm rõ nội dung phát ngôn và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với tổ chức cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của tổ chức cá nhân thì người này sẽ bị xử phạt hành chính cao nhất đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Trường hợp hành vi được xác định là bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của tổ chức, cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ quan điều tra có thể khởi tố về tội vu khống, tội làm nhục người khác...
Xử lý nghiêm người phụ nữ có những hành động dung tục, lăng mạ, xúc phạm CSGT | |
Gọi món ăn dân tộc là “cám lợn”, người “nổi tiếng” bị đề nghị Công an xử lý |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại