Hành vi tung tin thất thiệt bị xử lý thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Thời gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin “Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc Covid-19” gây hiểu lầm, hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh, học sinh. Ngay sau khi xuất hiện những thông tin này, ông Trần Thế Cương, GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định thông tin trên là sai sự thật. Đơn vị không có phát ngôn nào về việc dạy học trực tuyến trong thời điểm hiện nay.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Xanh Pôn, tin giả bao giờ cũng có đặc điểm là dựa trên một thông tin có thật. Người lan truyền tin giả sẽ sửa đổi tin thật khiến người đọc hiểu sai bản chất thông tin. Vì thế các đơn vị có liên quan phải có chế tài xử phạt các trường hợp tung tin giả và tạo ra tin giả. Tuy nhiên, mức độ xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tin giả. “Tôi hy vọng mỗi một cá nhân khi tham gia mạng xã hội phải có ý thức không tạo ra tin giả, có bộ lọc thật tốt để phát hiện tin giả, đặc biệt, không tự biến mình trở thành người lan truyền tin giả trong cộng đồng”, bác sĩ Trần Văn Phúc nhắn gửi.
Liên quan đến hành vi lan truyền tin giả, nhiều chuyên gia luật học cũng đã lên tiếng cảnh báo về các hậu quả pháp lý mà chủ thể của những hành vi này có thể sẽ phải gánh chịu. Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng cho biết, dưới góc độ pháp lý, Luật an ninh mạng năm 2018 đã quy định rõ về việc nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8, Luật này.
Do đó, mọi hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh trên không gian mạng đều là hành vi vi phạm pháp luật và tùy từng tính chất mức độ, hậu quả của hành vi thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, về chế tài xử phạt hành chính thì theo điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang trong nhân dân chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc gỡ bỏ thông tin không đúng sự thật theo quy định.
Về chế tài xử lý hình sự, người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288, BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Hồng Thái cho rằng, tuỳ từng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi thì người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù theo quy định của khoản 2 của Điều luật này. “Việc tung tin đồn nhảm, tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 lên mạng xã hội là tội ác. Hành vi này sẽ làm người dân hoang mang, có thể gây ra những hậu quả khó lường. Do đó, chủ thể của các hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định”, luật sư Thái nhấn mạnh.
Luật sư Thái đưa ra khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi sử dụng mạng xã hội, chọn lọc các thông tin chính thống của các cơ quan chức năng để nắm bắt thông tin chính xác về dịch bệnh Covid-19. Đồng thời không đăng tải, chia sẻ hoặc bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin không đúng sự thật. Ngoài ra, nếu phát hiện những thông tin không đúng sự thật, bị xuyên tạc trên mạng xã hội thì người dân cũng cần kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng để ngăn chặn sự lan truyền các thông tin này, tránh gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch.
Hà Nội yêu cầu xử lý kịp thời các trường hợp đăng tin giả, sai sự thật |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại