Hân hoan chào đón một năm học mới, thành công mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLễ khai giảng của trường Marie Curie Ảnh: Trần Tùng |
Ngày khai giảng đặc biệt
Ngày khai giảng của trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) có một điều đặc biệt khác với những năm học trước. Trong không khí tưng bừng, rộn ràng của ngày khai trường, giáo viên và học sinh của nhà trường sẽ cùng nhau hát bài hát truyền thống của trường “Bài ca trường Nguyễn Du”. Sau khi hát xong, học sinh chia sẻ những suy nghĩ của mình về mái trường, về những điều bản thân được học từ mái trường mến yêu của mình.
Sau đó, giáo viên nhà trường sẽ dẫn dắt các em vào một bài học đầu tiên của năm học mới mang tên: “Lễ nghĩa trong gia đình nhà trường và xã hội”, với mong muốn giáo dục các em học sinh hiểu được lễ nghĩa trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội, hiểu được những phép tắc lễ nghĩa cơ bản của bản thân trong cuộc sống, rèn kĩ năng hành vi giao tiếp ứng xử thanh lịch, văn minh đối với các mối quan hệ trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội ở từng hoàn cảnh cụ thể, giúp các em nhận thức, phân biệt lễ nghĩa đi kèm với hành vi đúng sai...
Cô Nguyễn Thu Hương - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du cho biết, trường học chính là mảnh đất tốt tươi để ươm mầm tri thức cho mỗi người, là bước đệm để mỗi chúng ta vươn tới tương lai rực rỡ. Ở đó, học sinh không chỉ được học kiến thức mà còn được trang bị những bài học đạo đức, lễ nghĩa làm người trước khi bước ra cánh cửa cuộc đời rộng lớn. Mở đầu năm học này, thầy trò trường THCS Nguyễn Du cùng nhau tìm hiểu về những bài học lễ nghĩa trong gia đình, nhà trường, xã hội, đúng với tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn”.
“Những bài học từ thuở nhỏ thường có sức ảnh hưởng rất lớn, rất khó quên đối với mỗi người, ngay cả khi đã trưởng thành. Lễ nghĩa với người Việt Nam là gốc rễ sự phát triển nhân cách. Dạy lễ nghĩa cho học sinh từ những bài học đầu tiên sẽ là ấn tượng, là hành trang, là kỹ năng để học sinh có hành vi ứng xử tốt với bạn bè, thầy cô, ông bà, cha mẹ và những người xung quanh trước khi các con được học kiến thức văn hóa. Năm học này nhà trường tiếp tục có những chuyên đề sâu hơn về vấn đề này nhằm giáo dục đạo đức, tư tưởng cho thế hệ học sinh tương lai của đất nước. Đây cũng là cách nhà trường giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho các em học sinh”, cô Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh.
Chủ đề năm học mới của trường Marie Curie là “nhân ái” nên từng mô hình, khẩu hiệu, bài giảng của trường, đặc biệt trong ngày khai giảng đều hướng đến sự nhân ái cho học sinh. Nhà trường mong muốn các em sẽ trân trọng những giá trị của lòng nhân ái, sống bao dung, luôn yêu thương cuộc đời, yêu thương con người để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Dạy học sinh những bài học về sự tử tế, trung thực và nhân ái
Sáng 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ luôn quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu niên nhi đồng. “Hôm nay, tôi vẫn nhớ về những bài học đầu tiên thầy cô dạy cho mình ở ngôi trường của một vùng quê miền núi nghèo, xa xôi, thiếu thốn đủ điều, nhớ hình ảnh cha mẹ cần mẫn lo cho con học hành và tiến bộ. Tôi tin rằng những bài học và tình cảm của thầy cô hôm nay sẽ luôn là hành trang đầy ý nghĩa với các cháu sau này”, Thủ tướng xúc động.
Cùng với các tấm gương sáng như anh Kim Đồng, chị Võ Thị Sáu, anh Vừ A Dính… và biết bao tấm gương của những con người Việt Nam, Thủ tướng mong các em học sinh sẽ được học những bài học về lòng biết ơn và tình yêu quê hương, đất nước, biết ơn cha mẹ, ông bà, thầy cô đã ngày đêm tận tụy chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng mình. Các em sẽ học được bài học về sự tử tế, trung thực và nhân ái: "Thương người như thể thương thân", "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ".
Từ đó các em sẽ biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh, không vô cảm với xã hội… Các em biết quan tâm, chia sẻ với các bạn ở các Trung tâm bảo trợ xã hội, các bạn bị bệnh tật, đồng bào gặp thiên tai, các bạn mồ côi và những hoàn cảnh không may trong xã hội…Từ những câu chuyện gần gũi đó, điều Thủ tướng mong muốn gửi gắm đến các em học sinh đó là hãy nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, ngoan ngoãn, chăm làm, chịu khó học tập, rèn luyện để trở thành "con ngoan, trò giỏi".
Thủ tướng căn dặn các em học sinh nên chăm chỉ đọc sách, bởi tâm hồn các em giống như mầm cây, ngày ngày ông bà, bố mẹ, thầy cô đang vun tưới để cây được phát triển lành mạnh và an toàn. Nhân dịp khai giảng, Thủ tướng cũng gửi gắm thông điệp đến đội ngũ thầy cô giáo: "Trẻ em như búp trên cành - Biết ăn biết ngủ học hành là ngoan". Dạy dỗ và chăm sóc trẻ em là một công việc đặc biệt, đòi hỏi kiến thức, sự kiên trì, tấm lòng bao dung, nhân ái, yêu thương với con trẻ.
"Tôi hiểu các thầy cô rất vất vả để dạy dỗ các cháu, chăm sóc đến mấy chục cháu là công việc không đơn giản. Nhưng chúng ta cần nỗ lực hơn nữa với phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực", "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", để lại những dấu ấn yêu thương và tốt đẹp với các cháu. Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với các phụ huynh, Thủ tướng mong các bậc cha mẹ phối hợp chặt chẽ, chia sẻ với nhà trường, thầy cô để dạy dỗ và chăm sóc các em. Đối với các Bộ, ngành, nhất là Bộ GD&ĐT, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung giải quyết từng bước những tồn tại, hạn chế và những bất cập phát sinh. Đồng thời, quan tâm đầu tư vật chất, xây dựng các cơ sở giáo dục, nhất là ở các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại