Hải Phòng: Khánh thành cầu sông Hoá kết nối Hải Phòng và Thái Bình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đại biểu cắt băng khánh thành cầu sông Hoá |
Dự lễ khánh thành có ông Trần Quốc Vượng – Uỷ viên Bộ chính trị, thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng; ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư; lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình; cùng đông đảo nhân dân.
Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2016, được sự hỗ trợ của Trung ương, thành phố Hải Phòng đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 37, đường tỉnh 354 tạo thành hệ thống giao thông kết nối vùng giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình và Nam Định. Tuy nhiên, trên tuyến quốc lộ 37 kết nối các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng thành phố Hải Phòng với Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn còn duy nhất cầu phao Sông Hóa.
Cầu vĩnh cửu sông Hóa nhìn từ phía Hải Phòng |
Sau gần 08 tháng thi công khẩn trương và được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng và UBND tỉnh Thái Bình, công trình cầu sông Hóa hoàn thành góp phần nâng tầm kết nối giữa thành phố Hải Phòng với tỉnh Thái Bình và vùng đồng bằng Bắc Bộ, như tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Cầu phao sông Hóa được xây dựng từ những năm 1980, rộng 4,0m, chỉ đáp ứng 1 làn xe tải trọng nhỏ lưu thông một chiều; qua nhiều năm sử dụng, cầu phao đã nhiều lần bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, sập gẫy, không đảm bảo an toàn khai thác, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông và không đảm bảo nhiệm vụ phòng chống lụt bão của hai địa phương.
Được sự đồng ý của Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình, Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu sông Hóa, nối huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã tổ chức vào dịp tháng 05-2019.
Mục tiêu đầu tư của dự án là xây dựng cầu vĩnh cửu bắc qua sông Hóa, nối huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình để thay thế cầu phao hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng nhằm nâng cao năng lực phục vụ, bảo đảm an toàn giao thông, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa thành thị với nông thôn khu vực phía Nam Thành phố Hải Phòng; kết nối với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình, tạo thành hệ thống kết nối giao thông liên tỉnh; góp phần giảm lưu lượng giao thông qua Quốc lộ 10; đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện điều kiện sống của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng của hai địa phương.
Công trình cầu sông Hóa hoàn thành dự kiến sẽ nâng cao năng lực phục vụ, đảm bảo khả năng khai thác trên 3.000 xe quy đổi/ngày đêm, bảo đảm an toàn giao thông, rút ngắn cự ly vận chuyển giữa thành phố Hải Phòng với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình trên 30km so với trước đây, góp phần giảm áp lực giao thông qua quốc lộ 10.
Dự án xây dựng cầu sông Hóa là dự án nhóm B, công trình giao thông đường bộ cấp III. Tổng mức đầu tư của dự án là 185 tỷ đồng (trong đó chi phí xây dựng là 146 tỷ đồng) từ nguồn Ngân sách thành phố Hải Phòng là 182 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Thái Bình là 3 tỷ đồng. Giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng là chủ đầu tư.
Cầu sông Hóa là cây cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài L = 254,1m, mặt cắt ngang cầu 12,0m. Tải trọng thiết kế HL93, kích thước khoang thông thuyền BxH = 30mx6m. Đường vuốt dốc hai đầu cầu theo theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, bề rộng nền =12m, trong đó, bề rộng mặt đường =11m.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: “Thời gian qua, kinh tế xã hội Hải Phòng phát triển vượt bậc nên Hải Phòng có điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng. Đặc biệt, trong 4 năm, Hải Phòng đã đầu tư xây dựng 45 cây cầu với tổng mức đầu tư trên 30 nghìn tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Hải Phòng đã làm việc với tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh để xây dựng những cây cầu kết nối giao thương giữa các bên. Cầu sông Hóa khánh thành có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối vùng và giao thương giữa hai địa phương”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại