Hà Nội trong tôi: Hà Nội đẹp nhất trong những ngày Thu sang
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Đoàn quân giải phóng làm Lễ chào cờ tại sân Cột Cờ (sân Đoan Môn) - Hoàng thành Thăng Long năm 1954. Ảnh tư liệu |
Ngày Giải phóng Thủ đô là một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây chính là thành quả to lớn sau những năm tháng kháng chiến trường kỳ của quân dân cả nước, là kết quả trực tiếp của đại thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấp nhận rút khỏi miền Bắc Việt Nam.
Trong ngày trọng đại ấy, hẳn là lớp người đi trước không thể nào quên được thời khắc lịch sử về lễ chào cờ đầu tiên khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Đúng 8h sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có những người con của Hà Nội thuộc Trung đoàn Thủ đô trong quân phục chỉnh tề, huân chương đeo đỏ trên ngực áo, từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong cờ hoa đón chào của hàng vạn người dân. Chỉ 7 tiếng đồng hồ sau, lúc 15h, trong không khí tưng bừng của ngày đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, có một buổi lễ đặc biệt diễn ra tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Đó là Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức.
Dù chỉ là đọc lại những tư liệu, xem lại các hình ảnh, những thước phim đen trắng, nghe lại lời kể của những cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử trở về từ chiến trường năm xưa, về những thời khắc lịch sử trọng đại ấy, mà trong lòng tôi vô cùng xúc động. Máu, xương của biết bao đồng đội đã rơi xuống để đổi lại từng khoảnh khắc thiêng liêng ấy, để thấy được lá cờ Tổ quốc tung bay ngạo nghễ, kiêu hãnh, thắng lợi trên bầu trời Hà Nội.
Bầu trời Hà Nội trong xanh, cao vời vợi, giây phút lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ chắc chắn là khoảnh khắc mãi mãi không bao giờ quên đối với những chiến sĩ trong đoàn quân tiếp quản Hà Nội năm ấy. Đó cũng là giây phút hạnh phúc vô bờ với mọi người dân Thủ đô, trở thành hồi ức thiêng liêng, đánh dấu thời khắc Hà Nội chính thức đón nhận cuộc sống thanh bình trở lại sau 9 năm kháng chiến gian khổ với biết bao mất mát, hy sinh. Câu chuyện lịch sử về Hà Nội trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp từ ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), qua 9 năm nếm mật, nằm gai để tiến tới những giờ phút huy hoàng đã thực sự mở ra một chặng đường mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, dưới chân Cột cờ thiêng liêng vẫn diễn ra các hoạt động gặp mặt của cựu chiến binh, các trường tổ chức lễ kết nạp đội viên, trưng bày nhiếp ảnh và Lễ chào cờ đầu tiên cũng được tái hiện trong âm hưởng hào hùng của ca khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao. Đoàn quân nhạc, những thanh niên với mũ ca-lô và áo trấn thủ giống đội tự vệ của Thủ đô năm nào, những lão thành cách mạng đỏ ngực huy chương… khiến chúng ta hình dung và gợi nhớ tới những ký ức mùa Thu hào hùng của 70 năm trước
Thủ đô Hà Nội mến yêu hôm nay đã mang bao đổi thay, không chỉ mang trong mình vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời, của lòng người mà mảnh đất ngàn năm văn hiến đẹp hơn nữa trong vẻ đẹp lịch sử, văn hóa ngàn đời. Đối với nhiều người, có lẽ, Hà Nội đẹp nhất trong những ngày Thu sang...
Hà Nội trong tôi: mốc son và ký ức hào hùng của Thủ đô | |
Hà Nội trong tôi: áo trấn thủ - biểu tượng của tình quân dân thắm thiết |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại