Thứ sáu 22/11/2024 17:38

Hà Nội: Thị trường BĐS hưởng lợi từ phát triển hạ tầng giao thông

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, cùng với quy hoạch, chính sách ưu tiên đầu tư; động lực từ các doanh nghiệp lớn thì hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng, giúp mở rộng không gian phát triển của vùng Thủ đô và là cú hích giúp tăng trưởng bất động sản.
Phát triển hạ tầng giao thông: Cú hích tăng trưởng bất động sản Hà Nội
Phát triển hạ tầng giao thông là cú hích tăng trưởng bất động sản Hà Nội.

Hiện nay, TP Hà Nội đang quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính là 1, 2, 3, 4, 5 và 2 tuyến vành đai hỗ trợ 2,5 và 3,5. Trong đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội đang được TP triển khai.

Cụ thể, Vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch dài hơn 43 km, chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín. Đến nay, Vành đai 2 đã đầu tư hoàn thiện được 32 km, trong đó có 3 cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.

Tuyến vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, giảm tải nằm giữa Vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông - Dương Đình Nghệ - Trung Kính - Hoàng Đạo Thúy - Vũ Trọng Phụng - Đầm Hồng - Khương Đình - Định Công - Kim Đồng - Tân Mai - Đền Lừ - Lĩnh Nam. Dự án có 13 đoạn, hiện Hà Nội đã hoàn thành 4 đoạn tuyến, còn lại 9 đoạn đang trong giai đoạn đầu tư và chờ đầu tư.

Với nguồn vốn được phân bổ cho năm 2023 là gần 47 nghìn tỷ đồng, tại Hà Nội, hàng loạt các dự án nhóm A sẽ được triển khai thi công trong năm 2023 như: Đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hợp long các nhịp chính dự án cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2 trước ngày 30/6 và tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành trước ngày 2/9….

Đặc biệt, quyết tâm của TP là bảo đảm khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội vào tháng 6 tới đây và hoàn thành trước năm 2027.

Là công trình trọng điểm quốc gia, đường vành đai 4 đã được Quốc hội thông qua mức kinh phí lên tới hơn 85 nghìn tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài hơn 112 km, được đánh giá sẽ tạo mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Hà Nội, liên kết toàn bộ các trục hướng tâm, phân bổ theo các hướng của vùng Thủ đô, giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, giao thương phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Với vành đai 4 và hàng loạt công trình trọng điểm đang triển khai, giới chuyên gia tin tưởng, thị trường bất động sản sẽ nhận được đòn bẩy mạnh mẽ. Cùng với sự hồi phục của thị trường, giá bất động sản tại các khu vực tiềm năng sẽ có cơ hội lớn để gia tăng giá trị.

Theo báo cáo xu hướng thị trường trung – cao cấp Hà Nội năm 2023, triển vọng 2023 – 2025 do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) công bố cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2022, giá chung cư sơ cấp toàn Hà Nội tăng đều qua các năm.

Đáng chú ý, khu Đông mở rộng của Hà Nội có mức tăng giá nhiều nhất thị trường. Cụ thể, Văn Giang – Hưng Yên là khu vực có mức tăng giá cao nhất, đạt 29%/năm, tiếp theo đó là khu Đông Hà Nội (bao gồm Long Biên, Gia Lâm) tăng 16%/năm. Mức độ tăng giá này vượt xa so với các khu vực khác như phía Tây và phía Bắc Hà Nội chỉ tăng trung bình 7%/năm.

Điều này đang cho thấy sức nóng rất lớn về giá của khu vực phía Đông Hà Nội. Ngay cả trong bối cảnh thị trường trầm lắng, giá chung cư mở bán mới tại khu vực phía Đông vẫn ghi nhận mức giá tăng nhẹ. Một số dự án tiêu biểu ảnh hưởng lớn đến giá trung bình trên thị trường của phân khúc này chủ yếu đến từ hai khu đô thị Vinhomes Ocean Park (tăng 30%), Masteri Waterfront (tăng 26%).

Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực phía Đông Hà Nội đã "thay da đổi thịt" với cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhiều tuyến đường, cây cầu mới được nâng cấp và mở rộng kéo theo sức hút của bất động sản.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản phân tích, bất động sản khu Đông đang trên đà tăng trưởng, bởi khu Đông đang sở hữu mạng lưới đường bộ quy mô và đồng bộ khi kết nối trực tiếp hàng loạt tuyến cao tốc, quốc lộ huyết mạch đi tất cả các hướng. Khu Đông Hà Nội không chỉ đang có nhiều đột phá về hạ tầng, quỹ đất rất lớn, mà còn có sự kết nối với các địa phương phía Bắc đang có tốc độ phát triển công nghiệp, công nghệ cao như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên. Từ đây, các bất động sản khu Đông sẽ tạo thành một mạng lưới kết nối cơ sở hạ tầng liên vùng, góp phần cực kỳ quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương và thị trường bất động sản tại những địa phương này.

Bên cạnh đó, nhiều công trình nghìn tỷ hòa vào mạng lưới giao thông TP và quốc gia như nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Thông, đường đô thị song hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng... tạo điều kiện cho việc di chuyển theo nhiều hướng khác nhau. Ngoài ra, gần chục cây cầu kết nối 2 bờ sông Hồng đã "thăng hạng" cho hạ tầng khu Đông. Ngoài cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân đã vận hành, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hiện đạt gần 70% tiến độ, dự kiến thông xe từ quý III/2023.

Hà Nội: Phát triển nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp du lịch là xu thế tất yếu
Phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông
Thành phố Hà Nội sẽ phát triển theo chùm đô thị
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động