Thứ sáu 22/11/2024 08:12

Hà Nội: Tập trung phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để khuyến khích người dân đầu tư vào cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, TP Hà Nội có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với các tổ chức, gia đình, cá nhân khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhằm từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, TP Hà Nội đang tập trung phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi tất yếu cho một nền nông nghiệp tiên tiến, bền vững.
Nhằm từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, TP Hà Nội đang tập trung phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi tất yếu cho một nền nông nghiệp tiên tiến, bền vững.

Là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp và số người làm nông nghiệp lớn, nhưng TP Hà Nội vẫn là "vùng trũng" về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do đất đai sản xuất của người dân nhỏ lẻ, không tập trung; hạ tầng sản xuất nông nghiệp hạn chế và chi phí đầu tư mua sắm máy móc lớn. Người dân chưa mặn mà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua, TP Hà Nội tập trung hoàn thành dồn điền đổi thửa đất gắn với quy hoạch lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nông dân đầu tư mua sắm máy móc… Nhờ đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhanh chóng nâng cao, sức lao động của nông dân từng bước được giải phóng.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiệu quả cơ giới trong sản xuất nông nghiệp rất rõ ràng. Cụ thể đối với trồng lúa, trung bình một ngày, một máy cấy 4 hàng cấy được 1ha, tương đương 30 người cấy lúa bằng tay. Việc sử dụng máy cấy giúp cấy thưa, tạo điều kiện để ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh cũng như ô nhiễm môi trường cho nên lúa đẻ sớm, đẻ khỏe, tập trung, bông lúa to, dài. Năng suất lúa cấy máy cao hơn cấy tay từ 10 đến 15%.

Đặc biệt, việc đưa cơ giới vào sản xuất góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp người dân yên tâm đầu tư máy móc, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại các địa phương không đồng đều và còn hạn chế. Cơ giới hóa vẫn tập trung vào khâu làm đất và thu hoạch, trong khi khâu gieo cấy và chăm sóc còn thấp…

Để khuyến khích người dân đầu tư vào cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, TP Hà Nội có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với các tổ chức, gia đình, cá nhân khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, Hà Nội sẽ xem xét hỗ trợ 100% phí quản lý cho đối tượng mua (vay vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố), 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh TP Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn với thời hạn vay tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.

Với mục tiêu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ, Hà Nội sẽ tạo nguồn kinh phí gần 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ cho việc cơ giới hóa.

Theo đó, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đối với các cây chủ lực sẽ đạt 15% - 98%. Các ngành hàng nông sản được cơ giới hóa đồng bộ gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, cụ thể: Khâu làm đất là 98%, gieo cấy 15%, chăm sóc 60%, thu hoạch (lúa) 95%...

Theo Sở NN&PTNT TP Hà Nội, hiện toàn TP Hà Nội có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Đến nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 100% diện tích đất nông nghiệp và diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đạt 90%.

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, huyện Phú Xuyên là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cơ giới hóa nông nghiệp, nhờ đó giải phóng được sức lao động, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất, góp phần phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Đến nay, hơn 1.000 ha lúa của huyện Phú Xuyên đã sử dụng phương thức mạ khay, cấy máy. Nhiều địa phương có tới hơn 90% diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch...
Hà Nội bổ sung kinh phí hỗ trợ các huyện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Hà Nội bổ sung kinh phí áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Hà Nội phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Tuyết Nhi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động