Hà Nội tăng cường thông tin tích cực trên không gian mạng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội tăng cường thông tin tích cực trên không gian mạng |
Đề án nhằm tăng cường thông tin tích cực trên không gian mạng giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là Đề án), UBND thành phố nêu rõ, hiện nay, để phổ biến thông tin, tuyên truyền về hoạt động của ngành, lĩnh vực, địa bàn mình, nhiều cơ quan, tổ chức của Trung ương và Hà Nội đã xây dựng các tài khoản riêng hoặc trang cộng đồng (fanpage) chính thức trên Facebook, Zalo cũng như tận dụng kênh truyền thông trên mạng xã hội để lan tỏa thông tin tích cực phục vụ công tác tuyên truyền.
Việc thiết lập kênh truyền thông chính thức của thành phố trên nền tảng mạng xã hội sẽ giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, cũng như kịp thời cung cấp thông tin chính thống, giúp người đọc nắm rõ bản chất vấn đề, không để những mặt trái của mạng xã hội như tin giả, tin sai sự thật làm ảnh hưởng xấu đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thành phố.
Các kênh truyền thông mới sẽ từng bước tạo nên môi trường thông tin tích cực, lành mạnh, góp phần định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của người dân trong triển khai các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, đề án, kế hoạch cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố.
Đề án đặt ra mục đích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, tổ chức được tiếp cận thông tin về tất cả lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là những thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của tổ chức, công dân, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử Thành phố.
Tăng cường thông tin tích cực trên môi trường mạng, phát huy thế mạnh của báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Ưu tiên những nền tảng có đông người sử dụng để tăng hiệu quả tuyên truyền.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, từng bước xây dựng hệ sinh thái về truyền thông của thành phố trên môi trường mạng nhằm tạo thêm kênh tương tác, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức với chính quyền thành phố nhằm chủ động đánh giá hiệu quả các chính sách, chương trình, chủ trương, kế hoạch, đề án lớn của Thủ đô.
Nhanh chóng đưa thông tin chính xác, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Giám sát, phát hiện thông tin sai phạm trên môi trường mạng để kịp thời xử lý, tránh tán phát, lây lan, giảm thiểu các tác động tiêu cực.
Đề án đặt ra các nhiệm vụ cụ thể: Đẩy mạnh việc đưa thông tin về các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố Hà Nội trên môi trường mạng; xây dựng hệ thống kênh truyền thông chủ động; rà soát thông tin, phân tích xu hướng truyền thông; xây dựng kế hoạch truyền thông; gia tăng mức độ tương tác và lan tỏa của thông tin tích cực, kiểm soát thông tin tiêu cực. Bên cạnh việc nhấn mạnh lan tỏa có trọng tâm, trọng điểm các tin bài về các vấn đề chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô trên các trang thông tin điện tử tổng hợp có lượng bạn đọc lớn, Đề án nêu rõ, lựa chọn một trong các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok, Zalo...) có đông người sử dụng để xây dựng một kênh truyền thông chính thức về Hà Nội. Việc xây dựng kế hoạch truyền thông tổng thể hằng năm trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Trung ương và thành phố...
UBND thành phố Hà Nội giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai Đề án.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại