Hà Nội: Sẽ siết chặt quản lý việc kinh doanh thuốc thú y, buôn bán sản xuất thức ăn chăn nuôi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể bảo đảm an toàn dịch bệnh, hiệu quả trong chăn nuôi, thời gian qua ngành nông nghiệp Hà Nội đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, siết chặt quản lý việc kinh doanh thuốc thú y, cơ sở buôn bán sản xuất thức ăn chăn nuôi… |
Trong chăn nuôi, việc vật nuôi thường xuyên mắc phải các loại dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có một thực thực trạng đáng lo ngại, đó là người dân thường tự do mua thuốc thú y về chữa bệnh cho vật nuôi bằng cảm quan, kinh nghiệm, sử dụng các loại thuốc, kháng sinh, vaccine một cách tùy tiện.
Các hộ chăn nuôi vẫn còn phòng bệnh cho gia súc, gia cầm một cách tự do khi còn nhỏ cho đến khi xuất bán, việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản phẩm chất lượng của thịt gia súc, gia cầm khi tới tay người tiêu dùng. Một số hộ chăn nuôi còn tự mua thuốc về tiêm điều trị cho vật nuôi. Mặt khác, người dân còn tuyên truyền, trao đổi thuốc thú y khi không có kiến thức chuyên môn, tự mua, tự tiêm và điều trị trong các hộ gia đình nên việc quản lý thuốc thú y gặp rất nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 646 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, trong đó có 520 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán. Thông qua kiểm tra cho thấy, nhiều cửa hàng đã chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc thú y, tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc đã hết hạn; hàng hóa sắp đặt thiếu ngăn nắp; không có hóa đơn mua bán…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, về kiểm tra chuyên ngành, thời gian qua, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 37 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý (28 cơ sở sơ chế, kinh doanh bảo quản động vật; 9 cơ sở buôn bán, kinh doanh thuốc thú y, chăn nuôi). Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện kiểm tra trên các lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch - kiểm soát giết mổ - kiểm tra vệ sinh thú y, kinh doanh thuốc thú y và sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhằm chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác thú y. Cụ thể có 4.025 lượt cơ sở được kiểm tra. Hình thức xử phạt chủ yếu là cảnh cáo, phạt tiền và hủy, chủ yếu ở quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Sóc Sơn, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Thanh Xuân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để siết chặt công tác quản lý, trong thời gian tới ngành sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về lĩnh vực chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tổ chức tập huấn công tác chuyên môn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan và đội ngũ thú y cơ sở; phổ biến, tập huấn các văn bản pháp luật về chăn nuôi (Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn), quản lý thuốc thú y trên địa bàn TP.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật trong thực hiện công tác chuyên môn; công tác chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, việc nâng cao ý thức cho chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y đóng vai trò quan trọng vào tăng hiệu quả trong công tác quản lý. Theo đó, ngành nông nghiệp TP sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về danh mục thuốc thú y được phép lưu hành hoặc cấm sử dụng tại Việt Nam; phổ biến về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
“Nếu phát hiện vi phạm về kinh doanh, sử dụng thuốc thú y trong danh mục cấm, sản phẩm kém chất lượng hay hàng giả, hàng nhái sẽ xử lý kiên quyết, triệt để như: Thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết”, ông Tạ Văn Tường cho biết.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại