Hà Nội ra chỉ thị về chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi gặp đại biểu người cao tuổi Thủ đô diễn ra 29/9. |
Theo nội dung Chỉ thị số 21-CT/TU, trong những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi, Luật Người cao tuổi và các chủ trương, chính sách của Trung ương, Thành phố đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò của người cao tuổi, về trách nhiệm đối với công tác người cao tuổi và tổ chức Hội Người cao tuổi thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước.
Các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi được đảm bảo, tổ chức Hội Người cao tuổi được quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động; trách nhiệm của gia đình và xã hội trong bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ngày càng được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi trên địa bàn Thành phố được nâng lên.
Tổ chức Hội Người cao tuổi được kiện toàn, hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia, là nòng cốt phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong người cao tuổi và phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện công tác người cao tuổi. Lực lượng người cao tuổi Hà Nội đã tích cực thực hiện phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”; đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác người cao tuổi và hoạt động của các cấp hội người cao tuổi trên địa bàn Thành phố còn một số khó khăn, hạn chế như: Cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu các chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Việc xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi hiệu quả chưa cao, chưa huy động nguồn lực của toàn xã hội để chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi. Đời sống của một bộ phận người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người cao tuổi nghèo, cô đơn. Hoạt động của một số Hội người cao tuổi ở cơ sở chưa thường xuyên, nội dung chưa phong phú, chưa thực sự hấp dẫn hội viên và người cao tuổi, công tác tuyên truyền, thu hút người cao tuổi vào các hoạt động của Hội chưa cao, nhất là địa bàn đô thị...
Trong thời gian tới, cùng với quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, tuổi thọ bình quân ngày càng cao, lực lượng người cao tuổi ngày càng đông hơn. Với kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín, người cao tuổi là nguồn lực to lớn, rất quý báu đối với sự phát triển của từng địa phương, Thủ đô và đất nước. Để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tiếp tục thực hiện tốt công tác người cao và phát huy vai trò của tổ chức hội người cao tuổi các cấp, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
Cấp ủy các cấp chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Thành phố về vị trí, vai trò của người cao tuổi và công tác người cao tuổi, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nghĩa vụ, niềm vui, hạnh phúc của từng gia đình, từng cá nhân công dân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác người cao tuổi; đưa công tác người cao tuổi vào chương trình làm việc thường xuyên trong công tác vận động quần chúng, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thành phố liên đến quan công tác Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; thường xuyên đánh giá, kiểm tra việc thực hiện về chính sách đối với Người cao tuổi theo đúng quy định của Luật Người cao tuổi và các Nghị định của Chính phủ.
Đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nội dung, phương thức và các loại hình chăm sóc người cao tuổi; xây dựng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của mạng lưới lão khoa; hỗ trợ đầu tư đối với các cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội. Nghiên cứu, tổ chức thí điểm mô hình sinh kế phù hợp với người cao tuổi.
Quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức hội người cao tuổi các cấp hoạt động có hiệu quả. Tích cực tổ chức các phong trào, hoạt động thiết thực bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện để người cao tuổi nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội; tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, sức lực trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện người cao tuổi Thủ đô. |
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người cao tuổi, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội và dân tộc Việt Nam về kính trọng, yêu thương, chăm sóc người cao tuổi. Quan tâm phối hợp với tổ chức hội người cao tuổi các cấp trong phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố, quận, huyện, thị xã, Hội Người cao tuổi ở cơ sở chú trọng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động. Tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp, Hội Người cao tuổi ở cơ sở, mở rộng hơn nữa các hình thức tập hợp, thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia sinh hoạt hội; phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi”.
Tích cực tuyên truyền, vận động, phối hợp để người cao tuổi tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng, phát triển mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, phát huy khả năng của người cao tuổi “Tự vận động, tự chăm sóc bản thân”, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát thực hiện Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và các chính sách đối với người cao tuổi.
Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Thành phố về công tác người cao tuổi; tuyên truyền những kết quả hoạt động của Ban Đại diện Hội các cấp, Hội Người cao tuổi ở cơ sở, gương điển hình tiên tiến người cao tuổi trên địa bàn Thành phố.
Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại