Thứ ba 19/03/2024 14:25

Hà Nội: Đẩy mạnh "xanh hóa" xe buýt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, TP Hà Nội cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi năng lượng xanh.
Việc “xanh hóa” xe buýt cũng đang được TP tích cực triển khai.
Việc “xanh hóa” xe buýt cũng đang được TP tích cực triển khai.

Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, toàn TP Hà Nội hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.034 xe, trong đó 277 xe (chiếm 13,6% tổng số đoàn phương tiện) sử dụng nhiên liệu sạch (xe buýt điện là 138 xe của Công ty TNHH Vận tải sinh thái Vinbus vận hành trên 9 tuyến và 139 xe sử dụng khí CNG của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến); Cùng với đó là 1.248 xe buýt chạy dầu diesel đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 có tuổi đời phương tiện khoảng 4 năm.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, tỷ lệ 13,6% xe buýt sử dụng năng lượng xanh là sự nỗ lực của cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, các tuyến buýt điện do Vinbus vận hành còn là những tuyến buýt điện đầu tiên của Đông Nam Á. Như vậy, Hà Nội đã đi trước so với kế hoạch trong Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Điểm nhấn không thể phủ định là việc liên tục đầu tư, đổi mới đoàn phương tiện đã và đang góp phần quan trọng, trực tiếp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng dịch vụ. Ở góc độ doanh nghiệp, việc chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu thân thiện với môi trường cũng được nhiều đơn vị vận tải của Thủ đô chú trọng.

Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QÐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, tất cả xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ðối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: Giai đoạn 2025-2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh. Thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45-50%. Ðến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt ít nhất 50%; Toàn bộ xe ta-xi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Ðến năm 2050, toàn bộ xe buýt, xe ta-xi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo ông Thái Hồ Phương, bên cạnh những kết quả bước đầu, nỗ lực “xanh hóa” xe buýt của Thủ đô đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cùng với chi phí đầu tư cao thì nguồn điện cũng đang là khó khăn lớn đối với việc chuyển đổi xe buýt điện. Theo tính toán, các trạm nạp điện xe buýt phải có phụ tải lớn (trạm nạp công suất 120KW), nhu cầu tối thiểu khoảng 1.000KVA/tuyến với số lượng khoảng 12-13 xe buýt. Để chuyển đổi trên 1.700 xe buýt chạy dầu diesel hiện nay sang xe buýt điện cần tối thiểu khoảng 142.000KVA. Do đó, đơn vị điện lực khu vực cần hỗ trợ cung cấp nguồn điện bảo đảm công suất và an toàn cho nhu cầu sạc điện phục vụ xe buýt.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, TP Hà Nội kiên quyết, kiên trì mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng và đang khẩn trương rà soát, lập quy hoạch mạng lưới xe buýt. Lộ trình triển khai chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh sẽ bám sát quy hoạch và bám vào quy hoạch điện của Tổng công ty Điện lực Hà Nội bởi việc phát triển xe buýt điện còn phụ thuộc nhiều vào nguồn điện. Quyết tâm nhưng phải bảo đảm tính khả thi và có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị. TP Hà Nội chia sẻ khó khăn với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để có những cơ chế, chính sách phù hợp, vướng đâu gỡ đó.

Hà Nội: Dịch vụ phục vụ hành khách của các tuyến xe buýt đã được nâng lên
Hà Nội: Tăng tính kết nối xe buýt với đường sắt đô thị
Hà Nội: 188 triệu khách đi xe buýt trong 5 tháng đầu năm
Đào Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động