Thứ bảy 23/11/2024 21:19

Hà Nội: Chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai Thành phố Hà Nội vừa có Công điện số 16/CĐ-BCH yêu cầu các đơn vị liên quan ứng phó xử lý việc xả lũ xuống hạ du của các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
ha noi chu dong ung pho han che thiet hai do xa lu ho chua gay ra
Ảnh minh họa

Theo đó, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã dọc Sông Đà, Sông Hồng, Sông Đuống bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời về việc xả lũ hồ chứa cho nhân dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; tăng cường kiểm tra, kiên quyết sơ tán nhân dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực bãi giữa. Quan tâm việc cảnh báo về đảm bảo an toàn cho nhân dân khi nước sông dâng cao do xả lũ sẽ xuất hiện nguy cơ về tập trung rắn rết, côn trùng có thể gây chết người cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống, đặc biệt là vùng bãi.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo An ninh Thủ đô tăng thời lượng đưa tin về tình hình xả lũ đột xuất của hồ Hòa Bình để nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra.

Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông...; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các đò ngang, đò dọc các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn; Có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của nhà nước và nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện; Tăng cường kiểm tra đê, kè, cống, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố sẵn sàng lực lượng phương tiện để kịp thời ứng cứu khi xảy ra các sự cố trong lúc xả lũ. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế của các quận, huyện dọc Sông Đà, Sông Hồng, Sông Đuống sẵn sàng thuốc men và lực lương y bác sĩ để xử lý kịp thời các trường hợp do côn trùng gây hại và ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường.

Sở Lao động thương binh và Xã hội có phương án hỗ trợ cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo ở ven sông, bãi sông. Tổng Công ty điện lực Hà Nội rà soát, kiểm tra hệ thống đường dây và trạm biến áp ở các khu vực ngoài đê và các bãi đê đảm bảo an toàn về điện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm chắc về diễn biến việc xả lũ (thời gian, mức nước dự kiến dâng khi xả lũ) để tham mưu kịp thời cho UBND TP, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Thành phố trong chỉ đạo, ứng phó xử lý việc xả lũ xuống hạ du của các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Trước đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Thành phố có Công điện số 15/CĐ-BCH yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa và mưa lớn trên diện rộng gây ra.

Công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa và mưa lớn trên diện rộng gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã dọc Sông Đà, Sông Hồng, Sông Đuống có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền về việc xả lũ hồ chứa; chủ động đảm bảo an toàn khi có xả lũ trên hệ thống Sông Đà, Sông Hồng, Sông Đuống; thông báo cho nhân dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; tăng cường kiểm tra, kiên quyết sơ tán nhân dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực bãi giữa.

Yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sỏ' nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông...; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố tăng cường công tác tuần tra trên các tuyến giao thông thủy, cảnh báo và hướng dẫn tại các khu vực nguy hiểm về giao thông thủy, nhất là tại khu vực các câu qua sông, các phân lưu, hợp lưu (cửa Đuống, cầu Đuống...); kiên quyết ngăn chặn hoạt động của những phương tiện giao thông thủy không đảm bảo an toàn; Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền và hoạt động tại các bến cảng, khu neo đậu để đảm bảo an toàn về người và phương tiện.

Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ dược giao chủ động triển khai các phương án ứng phó giảm thiểu thiệt hại do xả lũ hồ chứa và mưa lớn gây ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ mọi thông tin về mưa lũ để chủ động xử lý kịp thời các tình huống xảy ra và tổng hợp báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Thành phố.

T.Quang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động