Hà Nội bảo đảm phòng chống bão lụt, an toàn đê điều mùa mưa lũ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm |
Dừng thi công công trình, hoàn trả kết cấu đê sông Hồng
UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Cty CP Nước mặt sông Hồng dừng thi công, khẩn trương hoàn trả mặt cắt, kết cấu đê, bãi sông thuộc dự án xây dựng nhà máy Nước mặt sông Hồng. Theo đó, Cty CP Nước mặt sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội cấp phép thi công khắc phục sự cố nứt đê hữu Hồng tại Km46+160, huyện Đan Phượng và thi công công trình thu, trạm bơm nước thô, thời gian thi công hoàn thành trước ngày 31/5/2022. Tuy nhiên đến nay, tiến độ thực tế không bảo đảm đúng giấy phép.
Do chuẩn bị vào mùa mưa lũ năm 2022, để bảo đảm an toàn của tuyến đê hữu Hồng, UBND TP Hà Nội yêu cầu Cty CP Nước mặt sông Hồng dừng thi công công trình, khẩn trương hoàn trả mặt cắt, kết cấu đê, bãi sông; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai bảo vệ công trình trong mùa mưa lũ; ứng trực 24/24 giờ tại khu vực dự án, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để chủ động xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra.
UBND TP cũng yêu cầu Sở NN&PTNT xác định đây là trọng điểm phòng, chống lụt bão năm 2022; xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ.
Trước đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án nhà máy Nước mặt sông Hồng. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc đôn đốc tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng, UBND huyện Đan Phượng đã có văn bản đề nghị Cty CP Nước mặt sông Hồng tập trung toàn bộ nguồn lực, bảo đảm đúng tiến độ được UBND TP giao, dự kiến là trong quý IV/2022.
Theo kế hoạch triển khai dự án, Cty đã hoàn thành tuyến ống nước thô; ngày 27/5 hoàn thành tuyến ống nước sạch số 4; ngày 16/9 hoàn thành tuyến ống nước sạch số 2; các tuyến ống nước sạch số 3, số 1 và số 5 trong tháng 10 và 11; ngày 31/10 hoàn thành công trình thu, trạm bơm nước thô; cuối tháng 12/2022 hoàn thành trạm xử lý nước.
Quản lý chặt chẽ đê điều,theo đúng quy định của pháp luật
Để cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ), Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ), UBND TP Hà Nội đã phê duyệt các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) tại Quyết định số 1046/QĐ-UBND.
Theo định hướng, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn) hiện có dựa trên 3 nguyên tắc chính như sau:
Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; Không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ (không gian thoát lũ theo đê mới trong không gian thoát lũ theo đê cũ); Không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây cũng là trục không gian đặc trưng hành lang xanh với cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống khu vực ngoài đê, đặc biệt là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp; cầu/hầm nối kết đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực và TP. Hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa.
Đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, đây là khu vực đặc thù, phải tuân thủ các yêu cầu của Luật Đê điều: Đoạn sông có hệ thống đê tiêu chuẩn cao để ổn định dòng chảy, chống ngập lụt; tăng khả năng phân lũ của sông Hồng kết hợp cải tạo giao thông đường thủy để liên kết với mạng lưới vùng.
Bổ trợ cho cảnh quan trung tâm khu vực phía Bắc sông Hồng, là nơi bố trí các công trình đầu mối đường thủy, hành lang sinh thái, cây xanh phòng hộ. Là khu vực dự kiến phát triển hệ thống đường ven sông; cầu nối kết đô thị hai bên sông, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực.
Các đồ án quy hoạch phân khu đã xác định rõ các yếu tố hạ tầng cơ bản để cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg) và Văn bản số 4409/BNN-PCTT ngày 14-7-2021 của Bộ NN&PTNT; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông.
Đặc biệt, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, kè, bờ sông, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch.
Đồng thời rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực dòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn và những hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm theo quy định.
Mưa lớn, nhiều tuyến đường và khu dân cư ngập nặng | |
Hà Nội công bố 2 đường dây nóng hỗ trợ ứng phó ngập lụt | |
Hà Nội xây dựng phương án, biện pháp phòng, chống lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại