Góp phần khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột số quy định pháp luật hướng dẫn Luật Hộ tịch góp phần khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch |
Theo chị Nguyễn Thị Việt Hà, cán bộ tư pháp phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội, Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28-5-2020 của Bộ Tư pháp về quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP đã góp phần khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.
Trong đó, chị Việt Hà cho biết, Thông tư 04/2020 có một số điểm mới nổi bật như: Hướng dẫn cách ghi tuổi sang năm sinh khi cấp bản sao trích lục hộ tịch, tại khoản 2, Điều 23, Thông tư 04/2020 đã hướng dẫn cụ thể cách ghi tuổi sang năm sinh khi cấp bản sao trích lục hộ tịch trong trường hợp sổ hộ tịch trước đây ghi tuổi như sau:
Trường hợp sổ hộ tịch trước đây ghi tuổi thì cơ quan đăng ký hộ tịch xác định năm sinh tương ứng ghi vào mục ghi chú của sổ hộ tịch, sau đó cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Ví dụ: Sổ đăng ký khai sinh năm 1975 ghi tuổi của cha là 25 tuổi, tuổi của mẹ là 23 tuổi thì xác định năm sinh của cha: 1950, năm sinh của mẹ: 1952. Hiện nay, Thông tư 15/2015/TT-BTP không có quy định về nội dung này.
Việc bổ sung quy định về đăng ký khai tử cho người đã chết từ lâu. So với Thông tư 15/2015/TT-BTP, Thông tư 04/2020/TT-BTP đã bổ sung thêm nội dung hướng dẫn về việc đăng ký khai tử cho người đã chết từ lâu tại Điều 13. Theo đó, việc đăng ký khai tử được thực hiện theo quy định tại Mục 7 Chương II Luật Hộ tịch và hướng dẫn sau đây:
Trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.
Về việc bổ sung quy định về cải chính hộ tịch, tại Điều 17, Thông tư 04/2020 quy định: Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác.
Sai sót trong đăng ký hộ tịch là sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch. Việc cải chính nội dung đăng ký khai tử thuộc thẩm quyền của cơ quan đã đăng ký khai tử, theo đề nghị của người có trách nhiệm đăng ký khai tử quy định tại Điều 33 Luật Hộ tịch.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại