Nhiều bất cập trong triển khai Luật Hộ tịch cần kịp thời tháo gỡ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên- Người dân thực hiện TTHC về lĩnh vực tư pháp – hộ tịch tại phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, sau 6 năm thực hiện Luật Hộ tịch, đến nay công dân Việt Nam có thể thực hiện đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất. Người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi qua đường bưu điện, hoặc thông qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến. Hiện nay, tất cả các tỉnh, TP đã triển khai đăng ký khai sinh trực tuyến; 62 tỉnh, TP cho phép đăng ký khai tử trực tuyến; 62/63 tỉnh, TP có đăng ký kết hôn trực tuyến. Hầu hết các tỉnh, TP trên cả nước đã có Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh kết nối với Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, góp phần kết nối, chia sẻ thông tin, giảm tải và thời gian cho đội ngũ cán bộ công chức.
Tuy nhiên, tiễn phát sinh nhiều vấn đề, khó khăn, vướng mắc mà Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa giải quyết được: Giữa Luật Hộ tịch và Luật Hôn nhân gia đình chưa có sự thống nhất về trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con. Luật Hôn nhân gia đình quy định trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng và trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. Song, Luật Hộ tịch không thống nhất với Luật Hôn nhân gia đình, không quy định đối với trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên rất khó khăn cho cán bộ thực hiện; Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cơ chế giám sát việc giám hộ, nhưng Luật Hộ tịch không quy định.
Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: “Cơ sở y tế sau khi cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ thay giấy chứng tử quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này có trách nhiệm thông báo số liệu sinh, tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật Hộ tịch để thống kê kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, các cơ sở y tế không thông báo cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Việc cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử không đầy đủ thông tin, sai thông tin nên công dân gặp khó khăn khi đăng ký hộ tịch.
Tại Điểm d Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định “Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y thay giấy báo tử”. Tuy nhiên, CQCA chỉ cung cấp giấy xác nhận đồng ý cho công dân đi hỏa táng, trong nội dung xác nhận thiếu các thông tin về ngày, giờ chết, nguyên nhân chết, nơi chết nên gây khó khăn cho cán bộ khi thực hiện thủ tục đăng ký khai tử.
Trường hợp cấp xác nhận tình trạng hôn nhân khi người yêu cầu đã đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, công chức thực hiện gặp khó khăn trong việc xác minh và cung cấp thông tin xác minh vì trong hộ khẩu phần chuyển đi và phần chuyển đến của người yêu cầu, CQCA không ghi đầy đủ 3 cấp và ngày chuyển đi chuyển đến nên khó xác định việc chuyển đi, chuyển đến đến bao giờ và từ đâu.
Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành: Tại mục 10 Công văn số 709/HTQTCT-HT ngày 25/4/2016 của Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực về việc hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch, hướng dẫn: “...trường hợp đăng ký khai sinh không phải tại nơi thường trú của người mẹ thì cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm thông báo về UBND cấp xã nơi thường trú của người mẹ...”, như vậy, UBND cấp xã đăng ký khai sinh cho trẻ theo nơi thường trú của người mẹ cũng phải gửi thông báo về nơi người cha có hộ khẩu thường trú.
Tuy nhiên, tại Điều 13 Luật Hộ tịch quy định: “UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh”, việc đăng ký khai sinh theo nơi thường trú của người cha là thẩm quyền được đăng ký theo Luật thì việc thông báo về nơi thường trú của người mẹ gây rườm rà phức tạp cho việc thực hiện TTHC của cán bộ tiếp nhận, như vậy văn bản hướng dẫn mâu thuẫn với Luật…
Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung những vướng mắc bất cập trong Luật Hộ tịch và các văn bản có hướng dẫn thi hành bằng hình thức phù hợp. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở 3 cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã... Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, vừa đảm bảo công tác quản lý hộ tịch, quản lý dân cư này càng khoa học, chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Hà Nội chuẩn bị tổng kết 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch | |
Hà Nội: Giải quyết kịp thời các yêu cầu đăng ký hộ tịch cho người dân | |
Quận Bắc Từ Liêm: Chủ động, kịp thời triển khai Luật Hộ tịch |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại