Thứ bảy 27/04/2024 22:18

Góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt) sẽ góp phần từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện.
Sau hơn một thời gian hoạt động, xe đạp công cộng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân.
Sau hơn một thời gian hoạt động, xe đạp công cộng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân Thủ đô. Ảnh: T. Anh

Ra mắt từ tháng 8/2023 dịch vụ xe đạp công cộng đã nhanh chóng thu hút người dân sử dụng và trải nghiệm. Dù triển khai sau TPHCM, Hải Phòng hay Đà Nẵng, tuy nhiên tại Hà Nội số người sử dụng xe đạp công cộng lại nhiều hơn cả. Không chỉ góp phần giảm phát thải ra môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối hiệu quả giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như tàu điện, xe buýt…

Ngày 24/8/2023, được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam chính thức đưa dịch vụ xe đạp công cộng với 1.000 phương tiện vào hoạt động thí điểm tại 79 điểm, thuộc 6 quận nội thành của Thủ đô. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể đi bộ và tiếp cận dịch vụ thuận lợi.

Theo các chuyên gia, từ việc người dân hồ hởi đón nhận dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, các cơ quan chức năng cần có một chiến lược xa hơn trong phát triển xe đạp như một phương tiện "xanh". Các cơ quan công chính và doanh nghiệp tại Hà Nội cần đi đầu trong phong trào hạn chế sử dụng xe máy, ô tô chạy bằng xăng, dầu, chuyển sang sử dụng xe đạp, xe buýt sạch, tàu điện, xe máy, ô tô điện.

Hiện, TP Hà Nội đã cấp phép cho Công ty Vận tải số Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe đạp, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành. Đặc biệt là các khu vực gần nhà ga, bến tàu, trường học, công viên, trung tâm mua sắm.

Theo Sở GTVT Hà Nội, định hướng từ nay đến năm 2035, TP Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị với tổng cộng 417km trên 10 tuyến. Ngoài ra, Sở GTVT cũng đang tổng rà soát toàn bộ mạng lưới tuyến buýt trên địa bàn. Trong tương lai, phần khung chính của vận tải công cộng vẫn là đường sắt đô thị, xe buýt. Đây là xương sống cơ bản, bên cạnh đó là hệ thống đường sắt khối lượng nhẹ, buýt nhanh BRT. Xe đạp công cộng là mắt xích để kết nối, gom khách đi vào đầu mối tập trung đi vào đường lớn.

Ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và nếu đủ điều kiện sẽ triển khai vào năm 2024.

Tuyến thứ nhất, là đường chạy dọc sông Tô Lịch, có đường dành cho người đi bộ và có thể tận dụng để triển khai.

Tuyến tiếp theo là hệ thống vỉa hè quanh Công viên Hòa Bình, mở rộng các không gian, tiếp cận các khu vực vui chơi du lịch, văn hóa, mua sắm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội, trong các loại hình vận tải công cộng hiện nay, xe đạp là loại hình cung ứng tốt. Hiện vẫn còn khoảng trống từ nhà đến các nhà ga. Điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách công cộng còn nhiều bất cập, trở ngại. Một số ngõ nhỏ, xe buýt không thể tiếp cận nên phương tiện chính của người dân là xe máy.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó chú trọng vào việc chuyển đổi, phát triển các loại hình phương tiện thân thiện với môi trường trên địa bàn TP nhằm từng bước hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường góp phần xây dựng Thủ đô “Xanh - Văn minh -Hiện đại”, xứng đáng với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".

“Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện” – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Tập đoàn Trí Nam, hiện tại, ở Hà Nội đã có 118.998 khách hàng đăng ký app với tổng số giờ thuê xe là 142.845 giờ. Đa số khách hàng sử dụng với mục đích tham quan, giải trí, mua sắm chiếm 38,8%. Đơn vị này cũng nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách hàng, mong muốn mở rộng trạm xe ở các quận lân cận như Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm…
Thay đổi thói quen đi lại của người dân bằng xe đạp công cộng
Hà Nội chính thức vận hành dịch vụ xe đạp công cộng
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động