Ảnh
Giữ lửa nghề làm đèn Trung thu làng Hậu Ái
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hơn 40 năm qua, bà Nguyễn Thị Tuyến vẫn tỉ mỉ vót từng nan tre, chăm chút cho từng chiếc đèn ông sao làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
|
Làng Hậu Ái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) đã từng là thủ phủ cung cấp đèn Trung thu cho Thủ đô và vài tỉnh lân cận. Thế nhưng, tới nay chỉ còn lại một hộ duy nhất vẫn còn giữ được nghề của làng. |
|
Hơn 40 năm qua, bà Nguyễn Thị Tuyến luôn nặng lòng với nghề làm đồ chơi thủ công của cha ông để lại. |
|
Bà Tuyến chia sẻ: "Từ nhỏ tôi đã học theo bố mẹ làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Tôi là đời thứ 3 nối nghiệp gia đình. Đến nay cũng hơn 40 năm gắn bó với chiếc đèn ông sao. Với đồ chơi truyền thống này khéo tay thôi chưa đủ mà cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn". |
|
Theo bà Tuyến, để có một chiếc đèn ông sao làm thủ công truyền thống đúng điệu phải qua nhiều công đoạn, từ chọn nứa cho đến cắt, dán. |
|
Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn. Chọn nứa xong, phải chặt thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt... |
|
Hầu hết các sản phẩm đồ chơi Trung thu bà làm ra là phục vụ cho trường học, cơ quan làm quà tặng cho các em nhỏ. |
|
Do làm thủ công nên mỗi mùa Trung thu bà Tuyến làm được khoảng 1000 chiếc đèn các loại: đèn ông sao, đèn con cá, đèn con thỏ, đèn con tôm,... |
|
Đèn ông sao chính là món đồ chơi truyền thống được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt với số lượng lớn. |
|
Để làm được một chiếc đèn ông sao cỡ nhỏ, trung bình bà Tuyến dành ra khoảng nửa tiếng. Từ công đoạn vót tre, tạo khung cho tới dán giấy bóng kính và trang trí. |
|
Bà Tuyến kể lại, những năm 1993 - 1994, đồ chơi ngoại nhập bắt đầu tràn vào nước ta đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân,...trở nên mờ nhạt và không còn là sự lựa chọn duy nhất nữa. |
|
Mặc dù mỗi chiếc đèn bán ra chỉ lãi 5000-10.000 đồng/ chiếc nhưng bà Tuyến vẫn duy trì công việc này suốt hơn 40 năm qua. |
|
Bận bịu, vất vả nhưng không năm nào bà Tuyến không làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Với bà Tuyến, đây không chỉ là nghề truyền thống gia đình mà đó là sự đam mê, yêu thích, mong muốn gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống cho trẻ con. |
Khánh Huy